Thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng (18.10.2018)

16/10/2018
754
Lời Chúa: Lc 10, 1-9. 
1 Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.2 Người bảo các ông: 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này! "6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông."


Suy niệm: 
I. Sai thợ ra gặt lúa

Lm. Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ.

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.
Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (c. 2).
Trong hành trình truyền giáo cuối cùng với thánh Phaolô (Cv 20, 5),
Luca hẳn đã thấy những cánh đồng lúa chín ở mọi nơi,
đang chờ nhiều người gặt hái gấp, kẻo lúa bị hư hoại.
“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi…” (c. 3).

Dù chưa bao giờ gặp mặt Đức Giêsu,
nhưng Luca đã nghe được tiếng gọi sai đi của Ngài.
Ông đã là cộng tác viên ở bên thánh Phaolô khi người ở tù (Plm 24),
và đã một mình ở lại khi người bị giam lúc cuối đời (2 Tm 4, 11).

Là người dân ngoại được đón nhận Tin Mừng,
Luca muốn trao lại Tin Mừng đó cho những người dân ngoại khác.
Vừa có học thức và khiếu văn chương, lại vừa là y sĩ (x. Cl 4, 14),
Luca đã dùng tài năng của mình để phục vụ cho Lời Chúa (x. Lc 1, 2).
Người ta cho rằng Luca là một họa sĩ đã vẽ chân dung Đức Mẹ,
nay được tôn kính ở Đền thờ Đức Bà Cả tại Rôma.
Nhưng điều chắc chắn hơn nhiều là Luca đã vẽ chân dung Đức Giêsu,
khi thánh nhân cầm bút viết sách Tin Mừng cho dân ngoại.

Qua việc nghe lời giảng của các tông đồ, qua tìm hiểu và chiêm niệm,
Luca trở nên người hiểu rất sâu về trái tim nhân từ của Thầy Giêsu.
Không hiểu Thầy Giêsu thì không thể viết được cuốn Tin Mừng như thế.
Luca cho ta thấy một Giêsu say mê cầu nguyện,
từ khi Ngài chịu phép rửa của Gioan đến khi chịu treo trên thập tự.

Cầu nguyện là giây phút Ngài có thể nói lên tiếng Abba với Cha.
Giây phút riêng tư ấy, cả môn đệ cũng không khuấy động được.
Luca còn cho thấy một Giêsu cương quyết lên Giêrusalem, vì đó là ý Cha.
“Hôm nay, ngày mai, và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi…” (13, 33).
Ngài đi đến nơi khổ đau và cái chết đang chờ đợi (Lc 9, 51 -19, 27).
Tin Mừng của Luca tràn ngập khuôn mặt của người nghèo,
nghèo sức khỏe, nghèo tiền bạc, nghèo phẩm giá, nghèo đời sống tâm linh.

Đức Giêsu đã chữa bệnh và trừ quỷ, chúc lành và tha thứ.
Ngài đem đến cuộc cách mạng của Thiên Chúa, cho người nghèo nên giàu,
đem tình thương tha thứ vô bờ của Thiên Chúa cho tội nhân 
đem sự bình đẳng cho các phụ nữ để họ trở nên người cộng tác (8, 2-3).
Vì thế Tin Mừng của Luca cũng tràn ngập niềm vui,
từ niềm vui của Dacaria, của Gioan trong bụng mẹ, của các mục đồng,
đến niềm vui của các môn đệ sau khi Đức Giêsu thăng thiên (24, 52). 
Thánh sử Luca là một người dân ngoại được ơn viết Sách Thánh.

Chúng ta cũng là dân ngoại được ơn lãnh nhận đức tin.
Dù không thể viết được những câu chuyện tuyệt đẹp như thánh Luca,
về người cha nhân hậu hay về hai môn đệ đi Emmaus,
nhưng chúng ta vẫn có thể kể câu chuyện đời mình cho người khác,
câu chuyện đầy ắp ân sủng Thiên Chúa và chan chứa niềm vui tri ân.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu,
Khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng
Chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống
Đã âm thầm chịu nát tan
Để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.

Có bao điều tốt đẹp
Chúng con được hưởng hôm nay
Là do sự hy sinh quên mình của người đi trước,
Của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng,
Của ông bà, cha mẹ, thầy cô,
Của những người đã nằm xuống
Cho quê hương dân tộc.
Đã có những con người sống như hạt lúa,
Để từ cái chết của họ
Vọt lên sự sống cho tha nhân.

Nhờ công ơn bao người,
Chúng con được làm hạt lúa.
Xin cho chúng con
Đừng tự khép mình trong lớp vỏ
Để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình,
Nhưng dám đi ra
Để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.
Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày.
Để chọn tha nhân và Thiên Chúa,
Chúng con phải chết cho chính mình.
Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua
Đi từ cõi chết đến nguồn sống,
Đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở
Trước Đấng Tuyệt Đối và tha nhân. Amen


II. Này Thầy sai anh em đi
như chiên con đi vào giữa bầy sói

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.

Lời Chúa trong bài Tin Mừng mời gọi chúng ta nhận ra ba đặc điểm thuộc về sứ mạng loan báo Tin Mừng, và để con tim của chúng ta được chinh phục, nghĩa là được ơn hiểu biết sâu sa, có lòng ước ao và quảng đại dấn thân thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi.

1. Sứ mạng phục vụ cho sự sống

Sẽ thật là ấn tượng và rất có ý nghĩa, khi chúng ta hình dung ra một nhóm rất đông gồm bảy mươi hai môn đệ, được Đức Giê-su đích thân chỉ định, sai đi từng hai người một. Hình ảnh bảy mươi hai môn đệ nói cho chúng ta về sự phong phú của đời tu hôm nay, nam cũng như nữ, trong Giáo Hội và nhất là tại Giáo Hội Việt Nam, và về chính chúng ta nữa, hay những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta đang ở trong Năm Đời Sống Thánh Hiến. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa ban cho tất cả chúng ta và cách đặc biệt cho tất cả những người đang tìm hiểu và sống ơn gọi dâng hiến, niềm xác tín này : đó là được Chúa đích thân tuyển chọn và sai đi, cho dù trong thực tế đã diễn ra như thế nào.

Và sứ mạng của các môn đệ là chuẩn bị cho Chúa đến một cách đích thân : « Người sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến ». Nói cách khác, cánh đồng và sứ mạng là của Chúa, chúng ta không phải chủ, nhưng là nữ tì, là tôi tớ, là « ơn huệ », Chúa ban cho cánh đồng nhờ lời cầu nguyện của Giáo Hội, của rất nhiều người, nhất là của những người thân yêu. Và lời loan báo : « Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần », gắn liền với hoạt động chữa những người đau yếu :
Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ:
“Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”(c. 9)

Đức Giê-su cũng đã làm như thế khi loan báo Nước Trời. Như thế, các môn được mời gọi làm cùng một điều như Đức Giê-su đã làm, khi được chọn và sai đi, đó là hoạt động phục vụ cho sự sống : chữa bệnh liên quan đến sự sống ở mức độ căn bản nhất là sức khỏe, nhưng sự sống của con người không chỉ là sức khỏe, nhưng còn là và nhất là được đón nhận, được đồng hành, được tôn trọng, được yêu thương, được lắng nghe, được hòa giải với bản thân và với nhau, được cảm thông, được bao dung tha thứ, được chữa lành những vết thương trong tâm hồn.

2. « Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói »

Giống như Đức Giê-su, Đấng chọn và sai chúng ta đi, chính khi chúng ta thi hành sứ mạng phục vụ cho sự sống, chúng ta đánh liều chính sự sống của mình : « Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói ». Chiên con, chứ không phải chiên mẹ hay chiên bố, ở giữa bầy sói, thì chắc chắn là « chết » ! Bởi vì chính Đức Giê-su là « Chiên Con », như chúng ta tung hô nhiều lần trong Thánh Lễ : « Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian… »

Tuy nhiên, hình ảnh chiên và sói lại diễn tả cách tuyệt vời sự tương phản giữa sự hiền lành của Thiên Chúa và tính bạo lực của sự dữ. Giống như Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi chiến thắng bạo lực của sự dữ, không phải bằng bạo lực, nhưng bằng lời tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa, bằng cách phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, bằng chính sự dịu hiền của Thiên Chúa :
Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ,
cất tiếng ngợi khen chống lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. (Tv 8, 3)

Bởi vì nếu chúng ta sử dụng cùng một phương tiện bạo lực, mà sự dữ dùng, để chống lại sự dữ, thì chúng ta sẽ không khác gì sự dữ, và nhất là vì chúng ta sẽ rất mau bị cuốn vào xoáy của sự dữ. Thật vậy, khi người ta dùng gươm dao súng ống để chống lại kẻ xấu, không sớm thì muộn, người ta sẽ say mê gươm dao súng ống luôn. Chính vì thế, Đức Giê-su mời gọi chúng đừng chống lại kẻ dữ (x. Mt 5, 39).

Đánh liều sự sống, khi thi hành sứ mạng phục vụ sự sống. Điều này thật là thiệt thòi, thử thách và đau khổ. Nhưng đó lại là qui luật muôn đời của sự sống, được ghi khắc trong công trình sáng tạo và trong kinh nghiệm sống của loài người chúng ta : muốn phục vụ sự sống, muốn cho sự sống sinh sôi nẩy nở, phải cho đi chính sự sống của mình : đó là hạt lúa mì khi được gieo vào lòng đất, đó là người mẹ khi cưu mang và sinh con. Đức Ki-tô đến để cho thế gian được sống, và sống dồi dào (x. Ga 10, 10), và Người đã không đi con đường nào khác, ngoài con đường của hạt lúa mì. Thử thách và đau khổ, nhưng đồng thời cũng là hạnh phúc sâu xa và niềm vui bao la nếu được sống bằng tình yêu và lòng biết ơn. Và nhất là khi, trong Chúa, đó là con đường Vượt Qua, dẫn chúng ta đến ơn huệ sự sống gấp trăm và viên mãn.

3. « Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép »

Chính Chúa ban sự sống và ban lại sự sống gấp trăm, điều này, giúp chúng ta hiểu hiểu được ý nghĩa của lời dặn rất triệt để của Đức Giê-su, không thể áp dụng được trong thực tế, đó là không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.

Như thế, chúng ta đi vùng sâu vùng xa hoặc đi Đông hay đi Tây làm sao được ? Không thể thực hiện được nhưng lại mang một ý nghĩa quyết định, đó là sứ mạng loan báo Tin Mừng của chúng ta không tuyệt đối phụ thuộc vào những phương tiện vật chất chúng ta có và những khả năng chúng ta tạo lập được, mặc dù những điều này là quan trọng. Sống ơn gọi và thi hành sứ mạng, chúng ta được mời gọi sống bằng ơn Chúa và bằng chính Chúa, chứ không phải bằng phương tiện và khả năng sinh sống và làm việc của riêng mình. Đó là ý nghĩa của phép lạ bánh hóa nhiều.

Và ơn Chúa được ban cho chúng ta một cách rất cụ thể ngang qua sự tiếp đón và quà tặng do người khác chia sẻ, cụ thể là bữa ăn :
Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó… Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.(c. 7-8)
Trong lời dặn dành cho các môn đệ được sai đi, Đức Giê-su nói tới bữa ăn người ta đãi tới hai lần, và lần sau ăn lớn hơn lần trước, bởi vì là bữa ăn cấp thành phố !

*  *  *
Ước ao phục vụ, có khả năng phục vụ và làm được cái gì đó cho người khác, Giáo Hội, hay Hội Dòng, đó là điều mọi người thao thức, và việc tuyển lựa ơn gọi và huấn luyện cũng dựa vào những tiêu chuẩn này. Điều đó thật đáng vui, như kinh nghiệm của các môn đệ cho thấy:
Khi ấy nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ hớn hở nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”!  (Lc 10, 17)

Tuy nhiên, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hướng tới một niềm vui lớn hơn, đó là “tên anh em đã được ghi trên trời”:
Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời. (c. 20)
Lời Đức Giê-su muốn nói rằng, các môn đệ của Ngài, xưa kia cũng như hôm nay, hiện diện trong cung lòng Thiên Chúa từ muôn thủa và mãi về sau cách nhưng không. Đây không chỉ là niềm vui lớn hơn, mà còn là nguồn hành động và làm cho hành động trở nên đích thực và đi đúng hướng. Hơn nữa, đó chính là lẽ sống, khi chúng ta không còn phục vụ được gì nữa, không còn sức lực nữa. Không chỉ sau này về già, hay những lúc đau bệnh, nhưng ngay những lúc thất bại, bị coi thường, chê bỏ…