Suy niệm với Lời Chúa (8.10.2018 – Thứ hai Tuần 27 Thường niên)

08/10/2018
488

Lời Chúa: Lc 10, 25-37

25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? “27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? “37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Suy niệm

I. Hãy đi và làm như vậy​​​​​​​

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Trong Tin Mừng Mátthêu và Máccô (Mt 22, 36; Mc 12, 28) 
vị luật sĩ đặt câu hỏi về điều răn nào là điều răn lớn nhất. 
Còn theo Tin Mừng Luca, vị này lại hỏi Đức Giêsu 
về việc phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp (c. 25). 
Đức Giêsu nghĩ rằng câu trả lời đã có trong sách Luật, nên Ngài hỏi lại ông. 
Ông này đã trích sách Đệ Nhị Luật 6,5 và sách Lêvi 19,18 để trả lời. 
Động từ yêu mến diễn tả thái độ đối với Thiên Chúa và người thân cận : 
“Hãy yêu mến Thiên Chúa với tất cả trái tim con, với tất cả linh hồn con, 
với tất cả sức lực con và với tất cả trí khôn con, 
và người thân cận như chính mình” (c. 27). 
Đức Giêsu khen ông trả lời đúng và khích lệ ông (c. 28). 
Như thế giữa Ngài và vị thầy Do thái giáo đã có sự nhất trí nào đó. 
Tình yêu không phải là một đòi hỏi mới của Kitô giáo, 
nhưng tình yêu đã là điều cốt yếu của Do thái giáo từ xưa. 
Vấn đề là phải yêu Thiên Chúa với tất cả trái tim, linh hồn, sức lực và trí khôn. 
Từ tất cả được lặp lại bốn lần để nói lên một đòi hỏi tận căn, trọn vẹn.

Nhưng Đức Giêsu còn phải trả lời cho vị luật sĩ câu hỏi: Ai là người thân cận của tôi ? 
Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi này bằng một dụ ngôn nổi tiếng, 
qua đó ngài đã mở rộng quan niệm truyền thống về người thân cận. 
Một người từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. 
Anh phải vượt qua đoạn đường dài gần 25 cây số. 
Đoạn đường này thời bấy giờ có nhiều trộm cướp. 
Anh đã bị bọn cướp trấn lột, đánh nhừ tử và đặt nằm đó nửa sống nửa chết. 
Anh bị cướp này là ai, chúng ta không rõ. 
Chỉ biết anh đang rất cần sự trợ giúp của người khác. 
Nhìn vào tình cảnh bi đát của anh, có ai muốn thương giúp anh không? 
Có ba người đi qua chỗ anh nằm, một là thầy tư tế, hai là thầy Lêvi, 
Cả hai đều có phản ứng giống nhau: thấy và tránh qua bên kia mà đi. 
Chúng ta không rõ tại sao họ làm thế. 
Có thể vị tư tế sợ mình bị ô nhơ qua việc đụng chạm đến xác chết, 
vì sách Lêvi 21, 1-3 cấm không được làm thế, trừ phi là xác bà con gần.

Nhân vật thứ ba đi ngang qua nạn nhân là một người Samari. 
Hầu chắc nạn nhân là một người Do Thái, 
vì không có chi tiết nào cho thấy anh ấy là dân ngoại cả. 
Giữa người Do Thái và người Samari vốn có mối hiềm thù lâu đời. 
Người Samari cũng thấy như hai người trước, 
nhưng đó không phải là cái nhìn lạnh lùng, vô cảm. 
Anh thấy bằng trái tim của mình, chính vì thế anh chạnh lòng thương, 
điều mà hai người trước không có. 
Mọi sự phải bắt đầu từ trái tim, không có sức thúc đẩy của tim thì tay bất động. 
Người Samari đã làm một loạt hành động cụ thể : 
lấy dầu và rượu đổ lên vết thương, băng bó, đặt nạn nhân trên lưng lừa, 
đưa về quán trọ săn sóc, ở lại quán trọ nguyên ngày hôm ấy, 
trả tiền cho chủ quán và hứa sẽ trở lại trả thêm nếu cần. 
Tất cả những hành động này khởi đi từ lòng thương xót  (Lc 10,33). 
Lòng thương xót thật sự khiến ta chấp nhận mất công, mất của, mất giờ, 
và có thể mất mạng nữa, vì có thể tên cướp vẫn còn núp đâu đây.

Khi giúp cho kẻ lâm nạn, dù đó là một người Do Thái kẻ thù của mình, 
người Samari đã làm một phép lạ lớn, 
đó là biến mình trở thành người thân cận với anh ấy, 
và biến anh ấy trở thành người thân cận của mình. 
Đây là phép lạ của tình thương phá vỡ và vượt qua mọi biên giới 
của chủng tộc, tôn giáo và nhất là vượt qua những thù oán lâu đời. 
Để trả lời câu hỏi của vị luật sĩ: ai là người thân cận của tôi ? 
Đức Giêsu đặt câu hỏi ngược lại cho vị luật sĩ: 
“Theo ông, trong ba người, ai đã trở thành người thân cận với kẻ bị nạn ?” 
Câu hỏi quá dễ, nhưng hàm chứa một điều mới mẻ sâu xa. 
Trước khi giúp một người, không nên tự hỏi người này có thân cận với tôi không. 
Chúng ta không chỉ giúp những người thân cận và loại trừ người khác. 
Chúng ta giúp một người chỉ vì người đó cần chúng ta. 
Khi giúp, chúng ta trở thành người thân cận với người ấy, và ngược lại. 
Ai được ta giúp đỡ thì người ấy trở nên thân cận với ta. 
Càng giúp nhiều ta càng có nhiều người thân cận. 
Đức Giêsu kết luận: Hãy đi và hãy làm như vậy.

Đất nước chúng ta đã giàu lên đáng kể, nhưng vẫn không thiếu người nghèo, 
nghèo sức khỏe, nghèo tri thức, nghèo vật chất tối thiểu, nghèo nhân phẩm… 
Chúng ta cũng bị cám dỗ “tránh sang bên kia đường”, 
thấy mà làm như không thấy những Ladarô nằm trước cửa. 
Yêu những người nghèo như chính mình, thương người như thể thương thân: 
Đó là cách chúng ta rao giảng Tin Mừng cho quê hương Việt Nam hôm nay.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng
và trái tim được lớn lên mãi.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
uyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hóa.

Chúng con thích Chúa
đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con
và đưa chúng con lên cao.

Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.


II. tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ
​​​​​​​​​​​​​​
1. “Ai là người thân cận của tôi?”
Nếu câu hỏi thứ nhất của người luật sĩ là một câu hỏi rất hay: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”, thì câu hỏi thứ hai mà ông nêu ra: “Ai là người thân cận của tôi?”, phải chăng là một câu hỏi ngớ ngẩn? Vì người thân cận hiển nhiên là người bên cạnh, là người chung quanh, hàng xóm láng giềng!
Có lẽ không phải như vậy, vì người luật sĩ muốn cho thấy đây là một trong những vấn đề lớn ông đang thao thức, và chắc chắc cũng là vấn đề mà nhóm, cộng đoàn, thậm chí dân tộc của ông thao thức. Bởi vì, tuy là gần nhau, nhưng chưa chắc đã là thân cận, tuy ở chung, nhưng chưa chắc đã là anh em, chị em, bởi vì không chỉ có những ranh giới hữu hình, nhưng còn có cả nhiều ranh giới vô hình nữa, phân cách người với người:

  • Công chính và tội lỗi.
  • Ô uế và thanh sạch.
  • Người bệnh và người khỏe mạnh.
  • Nhóm của mình và những nhóm khác.
  • Khác biệt về tôn giáo, quan điểm, tính tình…
  • Dân Do thái và dân ngoại, nam và nữ, tự do và nô lệ, chủ và tớ…
2. “Hãy đi, ông cũng hãy làm như thế”
Đức Giê-su sẽ giúp cho vị luật sĩ vượt qua cách suy nghĩ lối mòn của mình: thay vì tôi ngồi một chỗ tìm cách định nghĩa người thân cận của tôi là ai, rồi sau đó tôi mới đi thực hành lòng mến đối với họ, Đức Giê-su kể cho ông nghe một dụ ngôn, và sau đó, Người đặt câu hỏi (c. 36-37):
Theo ông, ai trong ba người
đã là người thân cận của người bị nạn?

Người luật sĩ trả lời một cách dễ dàng:
Đó là người tỏ lòng thương xót đối với anh ta.
Và Đức Giê-su mời gọi ông:
Hãy đi, ông cũng hãy làm như thế.
Nghĩa là hãy làm cho mình trở thành người thân cận của người khác, đặc biệt là người cần đến lòng thương xót. Dụ ngôn của Chúa không xác định một hành vi cụ thể phải cố thực hiện (bởi vì, mấy khi mà chúng ta gặp một tình huống như vậy để thực hành), nhưng diễn tả sức năng động của lòng yêu mến mà luật nói đến:
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.
(c. 27)
Năng động tình yêu mà dụ ngôn của Đức Giê-su muốn diễn tả:
  • Không phổ quát giống như những định nghĩa mà những người làm luật cố đưa ra, để xác định ai là người thân cận.
  • Vượt qua các rào cản của lề luật, và của những ranh giới hữu hình và vô hình phân cách người với người, nhóm với nhóm.
  • Và diễn tả sức năng động, thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính mình, để hướng về người khác, dù người này là ai.
3. Thiên Chúa trở nên người thân cận của chúng ta nơi Đức Ki-tô
Ngoài ra, dụ ngôn còn có một ý nghĩa khác, hình ảnh người Samari nhân hậu diễn tả cho chúng ta cách tuyệt vời chính cung cách Thiên Chúa yêu thương chúng ta nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Bởi vì, chúng ta cũng giống như người bị nạn bởi sự dữ, tội lỗi, bởi bạo lực, lòng ghen ghét. Lề luật miễn trừ cho thầy tư tế và thầy Lê-vi không hành động trong trường hợp này, để có thể tiếp tụ lo thánh vụ. Có thể nói, Lề Luật cũng miễn cho Ngôi Lời Thiên Chúa can thiệp; nhưng thay vì Người tránh xa một bên để đi qua, bỏ mặc loài người chúng ta dở sống dở chết, Người chạnh lòng thương, dừng lại để cứu vớt chúng ta; khi làm thế, Người đã vượt qua rất nhiều ranh giới:
  • Thiên Chúa và con người.
  • Trên trời và dưới đất; vĩnh cửu và thời gian.
  • Thánh thiện và tội lỗi.
  • Thanh sạch và ô uế.

Hơn nữa còn hạ mình trở nên giống chúng ta, không chỉ trong thân phận con người, mà con tự đặt mình trong hoàn cảnh bị hại, bởi vì trong cuộc Thương Khó, ngài tự nguyện trở thành nạn nhân, và chịu đóng đinh trên Thánh Giá, để vừa cảm thông với mọi nỗi đau khổ của loài người chúng ta, kể cả cái chết (x. Dt 4, 14-16) và vừa mở đường cho chúng ta đi vào cõi hằng sống. Như lời Thánh Vịnh diễn tả:
Đường của Chúa băng qua biển rộng,
lối của Ngài rẽ nước mênh mông,
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài.

(Tv 77, 20)
Xin cho chúng ta cảm nghiệm sâu xa Tình Yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, được thể hiện nơi Đức Giê-su, để chúng ta sống Tình Yêu này một cách chủ động ngay trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ và trong môi trường sống của chúng ta, nghĩa là làm cho mình trở nên người thân cận của người khác, như Thiên Chúa đã làm cho mình trở nên người thân cận của chúng ta nơi Đức Giê-su Ki-tô.