Suy niệm với Lời Chúa (20.10.2018 -Thứ Bảy Tuần 28 Thường niên)

19/10/2018
675
Lời Chúa: Lc 12, 8-12 
8 "Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.10 "Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.11 "Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì,12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói."


Suy niệm: 

I. Đừng lo

Lm. Anton Nguyễn Cao Siêu, SJ.

Người ta thường nói giữ đạo tại tâm. 
Đức Giêsu hôm nay đòi ta phải tuyên xưng Ngài trước mặt người đời, 
nghĩa là tuyên xưng một cách công khai, không giấu diếm. 
Các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa đã có kinh nghiệm đó. 
Chỉ cần bước qua thập giá là coi như chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu. 
Không bước qua thập giá là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất. 

Một đoàn người đông đúc đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình, 
nhưng quyết không bước qua thập giá. 
Phêrô đã có kinh nghiệm về sự công khai chối bỏ Thầy (Lc 22, 57). 
Ông bảo mình không biết Thầy, không phải là người đã ở với Thầy, 
đã theo Thầy như một môn đệ và như một người bạn. 
Đơn giản là ông sợ bị liên lụy, sợ chịu chung số phận của Thầy. 

Xưa nay chẳng ai tuyên xưng Đức Giêsu mà không phải trả giá. 
Tuyên xưng bằng cách không bước qua thập giá như hồi xưa, 
hay tuyên xưng bằng cách bước qua những mời mọc thời nay, 
Coi nhẹ những gì thế gian mê đắm và ưa chuộng, 
như khoái lạc, địa vị, quyền lực, giàu sang. 

Phêrô đã bất ngờ và dễ dàng sa ngã. 
Nhưng Đức Giêsu đã cầu xin để ông được đứng lên (Lc 22, 32). 
Sau này, Phêrô sẽ có kinh nghiệm khác về việc công khai tuyên xưng. 
Đó là lúc ông và Gioan bị đem ra trước Hội Đồng Do Thái (Cv 4, 8) 
sau khi đã chữa một người bất toại ở cửa Đền thờ. 
Phêrô được đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô. 
Hội Đồng kinh ngạc trước sự bạo dạn của ông, 
vì biết ông là người ít học, quê mùa (Cv 4, 13). 
Bạo dạn là nét của cộng đoàn sơ khai, khi đứng trước đe dọa (Cv 4, 29). 
“Chớ lo lắng phải biện hộ làm sao hay phải nói gì, 
vì Thánh Thần sẽ dạy các ông ngay giờ đó về điều phải nói” (cc. 11-12). 
Không sợ và không lo, 
đó là thái độ của người Kitô hữu trưởng thành trước nghịch cảnh. 

Đừng phạm thượng đến Thánh Thần, vì sẽ không được tha (c. 10). 
Xúc phạm đến Thánh Thần là cứ ngoan cố, 
khăng khăng chống lại tác động của Ngài trong đời ta. 
Những mời gọi của Thánh Thần bị bóp chết ngay từ đầu. 
Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa. 
Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận. 
Người ấy không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy. 
Xin cho chúng ta nhận được sự nâng đỡ của Thánh Thần 
để làm chứng cho Giêsu giữa lòng thế giới. 
Và xin cho ta chấp nhận cái giá phải trả cho một tình yêu tín trung. 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời, 
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục. 
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, 
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó. 
Thế gian này vàng thau lẫn lộn. 
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài. 

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, 
giữ được vị mặn của muối, 
và sức tác động của men, 
để đem đến cho thế gian 
một linh hồn, một sức sống. 
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, 
chỉ sợ mình bỏ sống đạo 
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế. 

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng 
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, 
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống. 
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, 
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui 
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
 


II. Tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ.

1. Thiên Chúa, Thánh Thần và Con Người

Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng liên quan đến ba vấn đề xem ra rời rạc: nhìn nhận hay từ chối Con Người cách công khai (c. 8-9); nói phạm đến Con Người và nói phạm đến Thánh Thần (c. 10); và trường hợp người môn đệ bị đưa ra xét xử công khai (c. 11-12).

Nhưng, nếu biết lắng nghe, chúng ta vẫn nhận ra sự hài hòa hiện diện ở bên dưới những lời của Đức Giê-su, được tường thuật lại trong bản văn Tin Mừng này: cả ba phần của bài Tin Mừng đều liên quan đến thái độ của con người đối với Đức Giê-su: công khai từ chối Người (phần 1); người ta xét xử môn đệ của Người (phần 3); những lựa chọn như thế, có thể được tha thứ hay không (phần 2, nghĩa là trung tâm). Hơn nữa, sự hài hòa trong những lời này của Đức Giê-su, còn được duy trì bởi sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thực vậy:

    Đức Giê-su với tư cách là Con Người, nghĩa là Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài được người môn đệ công khai nhìn nhận, dù phải chịu thiệt thòi, thậm chí chịu bách hại; và Ngài cũng sẽ công khai nhìn nhận người môn đệ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa Cha.
    Người ta có thể nói phạm đến Thánh Thần không? Và trong trường hợp người môn đệ bị đưa ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, Thánh Thần sẽ dạy cho người môn đệ điều phải nói.

2. “Nhận Thầy trước mặt thiên hạ”

Như thế, người môn đệ khi “công khai nhìn nhận” Đức Giê-su, sẽ có nguy cơ bị người đời loại trừ, nhưng lại được vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa: được Ngôi Hai Thiên Chúa được vào tương quan phụ tử với Thiên Chúa Cha và được tràn đầy Thánh Thần hôm nay và ngay trong hoàn cảnh bị bách hại.
Xin cho chúng ta “công khai nhìn nhận” Đức Giê-su trong lòng chúng ta và trong cách sống của chúng ta. Sự phản kháng chắc chắn sẽ xẩy ra, không chỉ bên ngoài, nhưng cả bên trong chúng ta nữa. Nhưng làm sao sánh được với niềm vui khôn tả, được tháp nhập vào trong sự sống viên mãn và vĩnh hằng của Ba Ngôi Thiên Chúa, được tháp nhập vào trong Gia Đình mới của Đức Giê-su nay hôm nay (x. Lc 8, 19-21)? 

Chúng ta có thể dừng lại để suy gẫm về cách thức chúng ta “công khai nhìn nhận” Đức Giê-su trong sống thường ngày của chúng ta.
Nhưng thực ra Ngài đã công khai nhìn nhận chúng ta trước rồi, dù chúng ta là ai và ở trong tình trạng nào, ngang qua mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm Vượt Qua, được diễn tả nơi mầu nhiệm sáng thứ nhất. Như thánh Phaolo nói: “Đức Ki-tô chết cho chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân”. Và sự nhìn nhận, thậm chí tuyển chọn yêu thương của Đức Ki-tô dành cho chúng ta, vẫn được làm mới lại mỗi ngày trong Thánh Lễ. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi.

3. “Nói phạm đến Thánh Thần”

Một trong những điều khó hiểu nhất trong bài Tin Mừng, và có lẽ trong các Tin Mừng, đó là lời này của Đức Giê-su: 
Bất cứ ai nói phạm đến Con Người,
thì còn được tha;
nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần,
thì sẽ chẳng được tha. (c. 10)

Lời này không chỉ khó hiểu, những con làm cho chúng ta lo sợ, khi tự hỏi: “tôi có bao giờ nói phạm đến Thánh Thần chưa?” Nhưng nếu chúng ta hiểu ra, chúng ta sẽ cảm thấy bình an và tạ ơn Chúa vô cùng. Bởi lẽ, Lời Chúa luôn luôn là Lời ban sự sống, Lời làm cho sống và duy trì sự sống.
Người ta có thể dễ dàng nói phạm đến Con Người, bởi vì Người là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng nhập thể nơi con người Đức Giê-su Na-da-rét. Người Do Thái đã nói phạm đến Người và còn rất nhiều người hôm qua và hôm nay nữa.

Nhưng Thánh Thần là Đấng hoàn toàn vô hình, vì Người là Thần Khí, là năng động, là tương quan, nên người ta không thể phạm đến Thánh Thần được. Hơn nữa, Thánh Thần là tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con, giữa Thiên Chúa và con người, và giữa con người với con người. 
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.
Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
(Ga 15, 9-10.12)
Vì thế, nói phạm đến Thánh Thần, là tự hủy diệt chính mình.