Suy niệm với Lời Chúa (19.9.2018 - Thứ Tư Tuần 24 Thường niên)

17/09/2018
1024
Lời Chúa: Lc 7, 31-35
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dâ chúng rằng: “Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than”. Thật vậy, ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: “Ông ta bị quỷ ám”. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: “Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Nhưng Ðức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho.”


Suy niệm:

I. Lũ trẻ ngồi ngoài chợ

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài
với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 31-32).
Các nhóm chơi với nhau, í ới gọi nhau.
Một nhóm bày ra trò chơi đám cưới,
thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa.
Nhưng nhóm kia đã không tham gia.
Sau đó nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.
Nhưng nhóm kia vẫn chẳng khóc than thương tiếc.
Hẳn là chẳng vui gì khi có sự thụ động, lạnh nhạt như vậy.
Dụ ngôn trên đây nói đến một số người khó chiều, bướng bỉnh.
Dù thế nào thì họ cũng đứng ngoài, không chịu nhập vào cuộc chơi.
Họ chẳng thích cả trò đám ma lẫn đám cưới.
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói đến những người ở thời của Ngài.
Họ có nét tương tự như lũ trẻ ngồi ngoài chợ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn,
đời sống khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).
Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải.
Gioan ăn chay nên không ăn bánh, không uống rượu (c. 33).
Lối sống của ông phù hợp với lời ông giảng về việc Nước Trời gần đến.
Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.
Người ta đã coi ông là bị quỷ ám,
nên ít người tin vào lời giảng của một người như thế.
Khi Đức Giêsu đến với thế hệ này,
Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.
Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường.
Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,
một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải phóng.
Những bữa ăn trong đời Ngài đóng một vai trò quan trọng.
Ngài ngồi ăn với những người bị xã hội loại trừ như người thu thuế.
Ngài đón nhận vào bàn ăn cả những tội nhân cần tránh xa.
Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn
mà họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
Tiếc thay, Ngài cũng bị từ khước như Gioan,
bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 34).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.
Cả hai người, với hai lối sống nghịch nhau, cũng không chiều được họ.
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng có thể tìm ra được lý do để biện minh.
Khi cố chấp và ngụy biện để khỏi phải đối diện với chân lý,
con người chẳng được tự do.
Nguy cơ của con người mọi thời vẫn là ở lại trong tình trạng trẻ con ấu trĩ.
Làm sao để con người hôm nay có thể nghe được tiếng kêu của Gioan,
mời gọi người ta thay đổi cuộc sống bằng cách chia sẻ (Lc 3, 10-14)?
Làm sao thái độ bao dung của Đức Giêsu
ảnh hưởng trên một thế giới còn nhiều hận thù, chia rẽ, loại trừ nhau?
Lời nguyện:
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.


II. Đức khôn ngoan được nhận ra bởi con cái của mình
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.

1. Hình ảnh đám trẻ
Để nói về thế hệ đương thời đón nhận như thế nào những dấu chỉ Thiên Chúa thực hiện nơi ông Gioan Tẩy Giả và một cách trọn vẹn và duy nhất nơi chính mình, Đức Giê-su so sánh họ với đám trẻ con chơi trò chơi đám cưới hay đám tang: một số thổi sáo, nhưng những đứa khác không nhảy múa; hoặc một số hát bài đưa đám, nhưng những đứa khác không khóc than.
Hình ảnh đám trẻ chơi trò chơi diễn tả một kinh nghiệm rất thường xẩy ra trong cuộc sống của chúng ta :
  • Tôi đưa tay ra, nhưng người kia không bắt ; hay tôi kể chuyện cười mà không ai chịu cười.
  • Tôi cố giải thích một vấn đề, nhưng anh em hay chị em không hiểu ; và nếu có hiểu thì cũng hiểu sai. Hay sau một hồi cố gắng giải thích, anh em hay chị em lại đặt câu hỏi lạc đề !
  • Tôi bày tỏ những cử chỉ thiện cảm, nhưng anh em hay chị em không nhận ra, hay nghiêm trọng hơn, giải thích sai thậm chí ngược lại.
  • Tôi sống bình thường, thậm chí rất tích cực về mọi mặt (học tập, cộng đoàn, thiêng liêng, tông đồ…), vậy mà anh em hay chị em nhìn mình như thế, suy nghĩ về mình như thế, hiểu mình như thế. Và điều này làm cho chúng ta đau đớn tận đáy lòng.
2. Đức Giê-su và thế hệ của Người
Đó chính là vấn đề của cả một thế hệ đối với những sáng kiến, những thiện chí, những dấu chỉ mà Thiên Chúa quảng đại ban cho loài người chúng ta. Thế hệ của Đức Giê-su là như thế và chắc chắn thế hệ của chúng ta cũng vậy :
  • Gioan đến không ăn không uống, thì người ta cho là đồ bị quỉ ám.
  • Còn Đức Giê-su, có ăn có uống, lâu lâu đi ăn tiệc, hay ăn cơm khách, thì bị cho là tay ăn nhậu, bạn bè dây dưa với quân thu thuế và phường tội lỗi.
Vậy thì phải có những điều kiện gì để anh em, chị em nhận ra nhau ? Phải như thế nào để thế hệ của Đức Giêsu và thế hệ của chúng ta nhận ra Thiên Chúa nơi các dấu chỉ, và nhất là nơi « Dấu Chỉ Giêsu » ?

3. Con cái của Đức Khôn Ngoan
Đức Giêsu nói : « Đức khôn ngoan được nhận ra bởi con cái của mình » (Lc 7, 35). Để nhận ra Đức Khôn Ngoan, vốn là chính Đức Kitô, chúng ta phải là con cái của Đức Khôn Ngoan, phải thuộc về Đức Khôn Ngoan, phải hướng về Đức Khôn Ngoan, phải trăn trở và đi tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, phải có thiện cảm và ước ao Đức Khôn Ngoan.
Trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói : « Đức khôn ngoan được nhận ra ngang qua những hoa trái của mình » (Mt 11, 16-19). Và để nghiệm được sự thơm ngon của hoa trái, chúng ta không có cách nào khác, là liều mình nếm thử. Cầu nguyện với Lời Chúa (chẳng hạn theo phương pháp Linh Thao), chính là để « cảm và nếm » những gì thuộc về Đức Giê-su, nhất là Lời và Ngôi vị của Ngài.

*  *  *
Trong cầu nguyện chúng ta hãy xác tín rằng, chúng ta chắc chắn sẽ nghe được Lời Chúa, là sự Khôn Ngoan thần linh, bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa ; và Đức Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa, chính là hình ảnh Thiên Chúa vô hình.
Và giữa chúng ta, để nhận ra nhau, điều kiện cũng y như thế. Bởi vì, tất cả chúng ta là con một Cha trên trời và vì thế là anh chị em của nhau.