Suy niệm với Lời Chúa (16.10.2018 – Thứ ba Tuần 28 Thường niên)

15/10/2018
475
Lời Chúa: Lc 11, 37-41

37 Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn.38 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn.39 Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.40 Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?41 Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.


Suy niệm:

I. Bên ngoài, bên trong

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Một ông Pharisêu mời Đức Giêsu đến dùng bữa. 
Cử chỉ đó cho thấy thiện cảm của ông đối với Ngài. 
Đức Giêsu đã đáp lại lời mời, đã đến nhà ông và liền ngồi vào bàn tiệc. 
Ông chủ nhà bị sốc vì thấy khách không rửa tay trước khi ăn. 
Đối với ông đây là một thói quen quan trọng, không thể thiếu. 
Thế là Đức Giêsu đã giảng cho ông một bài hẳn hoi. 
Tuy nhiên, vì tế nhị, vì là khách mời cho một bữa ăn, 
nên chắc Ngài đã chẳng nặng lời đến mức đó. 
Bài Tin Mừng này thật ra phản ánh sự căng thẳng từ sau năm 70, 
giữa những người Pharisêu thuộc giới lãnh đạo hội đường với các Kitô hữu.

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh một cái chén uống nước và cái đĩa. 
Đối với Ngài, các người Pharisêu chỉ lo lau rửa ở bên ngoài chén đĩa. 
Chú trọng tỉ mỉ đến cái bên ngoài là nét riêng của họ. 
Lắm khi cái bên ngoài chỉ là những cái phụ thuộc, không cần thiết. 
Điều họ muốn mọi người tuân giữ lại không phải là chính Luật Môsê, 
nhưng chỉ là những lời giải thích chi li Luật đó 
được truyền miệng nơi các rabbi, rồi sau này được viết lại thành sách. 
Đức Giêsu cho thấy cái bên trong của người Pharisêu, 
cái bên trong của chén và đĩa mà họ không để tâm lau rửa. 
“Cái bên trong của các người thì đầy chuyện cướp bóc, gian tà” (c. 39). 
Như thế cái bên trong của chén đĩa 
tượng trưng cho cái bên trong của tâm hồn con người. 
Rửa sạch cái bên ngoài của chén đĩa, không đủ. 
Cần phải rửa sạch cả cái lòng tham lam chiếm đoạt và lòng độc ác gian tà. 
Rửa sạch cái bên trong mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn. 
Có khi vì khó nên người ta né tránh bằng cách làm cái dễ.

Đức Giêsu bực bội về sự tương phản này nơi một số người Pharisêu, 
tương phản giữa cái bên ngoài rất sạch và cái bên trong rất dơ, 
khiến nhiều người có thể bị ngộ nhận. 
Nhưng Thiên Chúa thì không. 
Ngài thấy cả hai, vì ngài đã làm ra cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong (c. 40). 
Đức Giêsu cho ta cách để tẩy rửa cái bên trong nhơ uế, đó là bố thí (c. 41). 
Trong tiếng Hy Lạp, bố thí có nghĩa gốc là bày tỏ lòng thương xót. 
“Bấy giờ mọi sự trở nên sạch cho các người.” 
Khi bố thí chia sẻ, người ta biến đổi từ bên trong. 
Tấm lòng tham lam ác độc trở nên đầy tình bác ái xót thương.

Đức Giêsu đưa chúng ta về với cái bên trong, cái cốt lõi của đời Kitô hữu. 
Như người Pharisêu cách đây hai ngàn năm,  
chúng ta vẫn bị cám dỗ để dừng lại và mãn nguyện với cái bên ngoài. 
Làm sao để chúng ta thực sự trong sạch dưới ánh mắt của Thiên Chúa? 
Làm sao để cái bên ngoài của chúng ta thực sự phản ánh cái bên trong? 
Đời Kitô hữu chính là một nỗ lực đi từ việc giữ đạo hời hợt, hình thức, 
đến việc sống đạo từ trong máu thịt mình. 
Xin Chúa giúp ta rút ngắn khoảng cách giữa cái bên ngoài và cái bên trong.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.


II. Hãy bố thí những gì bên trong
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.

1. Đức Giê-su và người Pha-ri-sêu

Một người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su đến dùng bữa tại nhà mình. Thánh Luca còn kể những dịp khác tương tự, chằng hạn Đức Giê-su được mời đến dùng bữa tại nhà một người Pha-ri-sêu khác, tên là Simon, và trong bữa ăn, đột nhiên có một người phụ nữ đến khóc bên chân Chúa (x. Lc 7, 36-50).

Như thế, tương quan của Đức Giê-su với những người Pha-ri-sêu không quá căng thẳng như chúng ta tưởng ; hơn nữa, mời nhau đến dùng bữa tại nhà, là dấu chỉ của một sự thân thiện đặc biệt. Tuy nhiên, cứ mỗi lần như thế, Đức Giê-su lại mặc khải sự « khác biệt thần linh » của ngài đối với những người Pha-ri-sêu và qua họ, đối với chúng ta và với cả loài người.

 2. Rửa tay trước bữa ăn

Ông Pha-ri-sêu thật có lý khi lấy làm lạ, vì Đức Giê-su không rửa tay trước bữa ăn. Đó không chỉ vì lý do vệ sinh, nhưng rửa tay còn là một nghi thức thanh tẩy. Phải thanh tẩy, hay nói rộng hơn, phải chuẩn bị mình, cả bên trong lẫn bên ngoài, trước khi dùng bữa, bởi vì bữa ăn là ân huệ Thiên Chúa ban. Cũng giống như nghi thức sám hối khi chúng ta bắt đầu cử hành Thánh Lễ, và cũng giống như nghi thức rửa tay của linh mục trước khi bước vào nghi thức truyền phép.

Nếu như thế, người Do thái đã vượt xa chúng ta trong việc nhận ra ơn huệ Thiên Chúa, vì đối với họ, bàn ăn đời thường là « bàn thánh », và bữa ăn hằng ngày cũng là một ơn huệ trọng đại Thiên Chúa ban từ thủa tạo thiên lập địa và được hiện tại hóa mỗi ngày (xem St 1, 29 ; Tv 136, 25). Do đó cần phải được thanh tầy trước khi dùng bữa. Hành vi chuẩn bị mình để đón nhận ơn huệ Thiên Chúa ban, là bữa ăn hằng ngày, quả thật là một hành vi vừa đẹp (vì diễn tả lòng biết ơn), vừa đúng (vì bữa ăn diễn tả ơn huệ lương thực) và vừa hay (vì sẽ định hướng sự sống và đời mình theo hướng ca tụng và tạ ơn). Ước gì chúng ta cũng có tâm tình này khi đọc kinh, dâng lời nguyện hay « làm phép » trước bữa ăn.

Tuy nhiên, cũng giống như chúng ta cử hành các nghi thức, với thời gian, các nghi thức đánh mất đi ý nghĩa đích thực, và chỉ còn là hình thức bên ngoài. Tệ hại hơn nữa, người ta còn nghĩ rằng nghi thức này làm cho người ta tự động, như ma thuật, trở nên thanh sạch trước mặt Thiên Chúa ! Đức Giê-su không chống lại những nghi thức thanh tẩy, nhưng chống lại thái độ duy nghi thức, chỉ dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, ở vẻ đẹp bên ngoài : « Nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén dĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà ».

Như thế, đối với Đức Giê-su, các nghi thức không tự động làm cho người trở nên thanh sạch ; nhưng ngược lại, những nghi thức này trở nên vô nghĩa và trống rỗng nếu không diễn tả sự thanh sạch và vẻ đẹp của tâm hồn, hay nói như Đức Giê-su, diễn tả một lối sống với Thiên Chúa và tha nhân.

3. Cái bên trong và cái bên ngoài

Như vậy, phải chăng, bên trong mới quan trọng, bên ngoài chỉ là tùy phụ, thậm chí không cần thiết ? Có những người dựa vào lời này của Chúa để suy ra như vậy, khi nói : « Đạo tại tâm », nhằm biện hộ cho một lối sống đạo « bên ngoài chẳng có gì ? ». Như đọc được suy nghĩ này của người nghe của mọi thời, Đức Giê-su đã vượt qua sự đối lập giữa cái bên trong và cái bên ngoài, khi nói : « Thật là ngốc ! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ? » Như thế, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhìn ra hành động sáng tạo của Thiên Chúa ở trong mọi sự, cả cái bên trong cũng như cái bên ngoài ; và đáp lại bằng một thái độ nội tâm, đó là « bố thí những gì ở bên trong », để cho Thiên Chúa hiện diện và hành động nơi con người trọn vẹn của chúng ta.

Và Đức Giê-su nói : « Thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người ». Đây chính là quan niệm hoàn toàn mới, nếu không muốn nói là « quan niệm thần linh » về thế nào là thanh sạch.