Gợi ý cầu nguyện với Lời Chúa (8.12.2018 – Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội)

07/12/2018
837
Lời Chúa: Lc 1, 26-38

Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.


Suy niệm:

I. Đấng đầy ân sủng

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Ngày 25-3-1858 tại Lộ Đức, Đức Mẹ lại hiện ra cho Bernadette, 
một cô bé mười bốn tuổi, nhà nghèo, quê mùa. 
Vào lần hiện ra thứ mười sáu, khi cô gặng hỏi tên của Bà đẹp, 
Bà đã trả lời: Que soy era Immaculada Conception, 
Ta là sự Thụ thai vô nhiễm. 
Một câu trả lời khó hiểu và khó nhớ đối với một cô bé ít học. 
Dĩ nhiên cô không hề biết rằng bốn năm trước đó, 
Đức Piô IX đã công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội.

Mừng lễ Đức Maria Vô nhiễm là mừng lễ một con người, một phụ nữ. 
Thiên Chúa muốn Con Một của mình làm người trăm phần trăm, 
nên cần tuyển một phụ nữ để sinh ra người Con ấy. 
Maria chính là người được chọn, hoàn toàn như một ân huệ. 
Khi chọn Maria, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ mọi sự tốt đẹp nhất có thể, 
vì ơn gọi quá vĩ đại là làm Mẹ Con Thiên Chúa. 
Maria được Thiên Chúa bao bọc và bảo vệ bằng ân sủng tuyệt vời. 
Ngài cho Mẹ được hưởng trước công nghiệp của Người Con, 
nên gìn giữ Mẹ khỏi vết nhơ của nguyên tội. 
Mừng lễ Vô nhiễm là mừng lễ một con người, một phụ nữ, 
ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai, 
đã trọn vẹn và tuyệt đối nằm trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.

Khi nói Mẹ không nhiễm vết nhơ của nguyên tội 
là chỉ mới nêu lên một khía cạnh có phần tiêu cực. 
Theo Công Đồng Vaticanô II, từ giây phút hiện đầu tiên của cuộc sống, 
Mẹ đã được rạng ngời một sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị. 
Giáo Hội Đông Phương gọi Mẹ là Đấng toàn thánh (panagia). 
Sự thánh thiện của Mẹ đã được sứ thần Gabrien diễn tả qua lời chào : 
“Mừng vui lên, hỡi Đấng được đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà.” 
Maria được Thiên Chúa ban đầy tràn ân sủng, 
nghĩa là được Thiên Chúa yêu thương, và được đẹp lòng Thiên Chúa, 
từ trước khi Mẹ nói tiếng Xin Vâng. 
Nhưng ân sủng không bóp chết tự do và trách nhiệm. 
Mẹ đã đáp lại tình yêu đó với sự mở ra không ai sánh bằng. 
Tiếng Xin Vâng trên môi của cô thiếu nữ Maria 
là cử chỉ đón lấy Đấng Cứu Độ vào đời mình, vào lòng dạ mình. 
Maria đã suốt đời trung tín với tiếng Xin Vâng đầu tiên 
bằng việc nói muôn tiếng Xin Vâng khác cho đến tận thập giá.

Những gì Mẹ Maria được hưởng, chúng ta cũng được chung phần. 
Chúng ta cũng được chọn, được tẩy xóa tội nguyên tổ, được ban ơn. 
Chúng ta cũng được mời gọi đáp lại bằng những tiếng Xin Vâng nho nhỏ. 
Sống Mùa Vọng là để cho Con Thiên Chúa đi vào đời mình. 
Như Đức Maria, chúng ta được mời gọi cưu mang Con Thiên Chúa, 
làm cho Ngài lớn lên mỗi ngày và sinh Ngài ra cho thế giới. 
Chúng ta cũng muốn cưu mang Giêsu với trái tim và cuộc đời vô nhiễm. 
Xin Chúa cho chúng ta được chia sẻ ơn Vô Nhiễm giữa cuộc đời ô nhơ.

Cầu nguyện:

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ
tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.

Xin ban cho con quả tim đơn sơ,
mau quên những nỗi buồn phiền.
Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,
dịu dàng để cảm thông.
Một quả tim trung thành và quảng đại,
không quên ơn, không báo oán.

Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.

Một quả tim vĩ đại và bất khuất,
không khép lại trước những kẻ vô ơn,
không chán nản trước người lạnh nhạt.
Một quả tim khắc khoải
lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,
quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,
vết thương chỉ lành
khi được sống với Ngài trên trời. Amen.


II. Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ

Thật là nghĩa ý khi trong Mùa Vọng, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta ơn vô nhiễm của Đức Mẹ. Để chuẩn bị cho Đức Maria trở thành Mẹ của Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ « đầy tràn ơn phúc » ; và ơn vô nhiễm diễn tả thật trọn vẹn và một cách nhưng không mọi ơn phúc Mẹ nhận được từ Thiên Chúa.

Ơn huệ được ban, luôn là để chia sẻ. Đặc biệt đối với chúng ta, Mẹ chia sẻ qua việc cầu bầu cho chúng ta và đồng hành với chúng ta trong hành trình đi theo Đức Ki-tô, Con của Mẹ. Xin Mẹ cũng dạy dỗ để cho chúng ta cũng đón nhận, trở nên một và đi theo Đức Ki-tô đến cùng, nghĩa là đến tận chân Thập Giá và đững vững theo gương Mẹ (x. Ga 19, 25), trong ơn gọi mà Chúa ban cho chúng ta.

Và trong ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm hôm nay, cũng như trong mọi ngày của cuộc đời, và nhất là « trong giờ lâm tử », chúng ta được mời gọi mở lòng ra để Mẹ chia sẻ cho chúng ta ơn vô nhiễm của Mẹ.

 Con rắn lừa dối

Bài đọc 1, trích sách Sáng Thế, kể lại phần chất vấn Đức Chúa dành cho ông Adam và bà Evà, sau khi hai ông bà đã vi phạm lệnh truyền. Với bà Evà :

ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.”(St 3, 13)

Khi nghe và suy niệm lời này, chúng ta thường chỉ để ý đến hành vi phạm lệnh truyền, là « con đã ăn », và vì thế, có thái độ lên án ngấm ngầm hay công khai. Trong khi đó, Lời Chúa trong bản văn trích sách Sáng Thế kể về Tội Nguyên Tổ muốn giải thoát chúng ta một cách chính xác khỏi hành vi lên án, lên án mình, lên án nhau và cuối cùng lên án chính Chúa, ý thức hay không ý thức, bằng cách mặc khải cho chúng ta nguyên nhân sâu sa của tội, mà chính loài người chúng ta, ngang qua hình ảnh Hai Ông Bà Nguyên Tổ, cũng không làm chủ được. Nguyên nhân sâu sa của Tội Nguyên Tổ, nghĩa là của mọi tội, Đó chính là Con Rắn : « Con rắn đã lừa dối con », mà thánh Phao-lô gọi là Tội như một nhân vật : « Tôi đã chẳng biết ham muốn là gì, nếu Luật không dạy: Ngươi không được ham muốn. Tội đã thừa cơ, dùng điều răn mà làm nảy sinh trong tôi đủ thứ ham muốn” (Rm 8, 7-8). Theo pháp luật, để định tội, bao giờ cũng phải xác định nguyên nhân cũng như tình trạng và tình cảnh của người vi phạm ; về phương diện này, tất cả chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng, lúc ấy loài người còn rất trẻ và ít kinh nghiệm ! Vậy đâu là sự lừa dối của con rắn ?

Lời của con rắn hoàn ngược lại với Lời Chúa : Thiên Chúa đã nói, ăn vào thì chắc chắn sẽ chết (x. St 2, 17), còn con rắn nói : « Không, ông bà sẽ không chết. Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần » (St 3, 4-5). Nọc độc con rắn muốn gieo vào lòng bà Evà, và qua Evà cho cả loài người chúng ta, thật rõ ràng :

Thiên Chúa tạo dựng con người để đày đọa con người và cuối cùng là để cho chết, trở về với cát bụi và hư vô.
Bằng chứng hiển nhiên là Thiên Chúa cấm con người ăn trái cây có khả năng làm cho con người trở thành thần linh !
Và để ngăn cấm, Thiên Chúa lừa dối ông bà : trái cây mang lại những hiệu qua tuyệt vời như thế, nhưng Thiên Chúa lại nói, ăn vào thì chết !
 
Nọc độc nghi ngờ

Đó chính là cảm thức của người Do Thái trong sa mạc, và đó cũng chính là cảm thức của loài người chúng ta, của mỗi người chúng ta, mỗi khi gặp khó khăn, thử thách hay tai họa đến từ thân phận hay số phận của đời người : « Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này » (Ds 21, 5). Được giải phóng khỏi đất nô lệ chết chóc, được dẫn đưa vào sa mạc để hướng về Đất Hứa, được sinh ra làm người, được Thiên Chúa « bao bọc cả sau lẫn trước » để đi trên « chính lộ ngàn đời » (x. Tv 139), nhưng khi gặp khó khăn thử thách, Dân Chúa, từng người chúng ta, lại hiểu đó là dự án giết chết, là sự lừa dối, là án phạt hoặc sự đày đọa của Thiên Chúa, là « thử thách » ; « thử thách », theo nghĩa kiểm chứng, không tin tưởng, « thử thách » để dò xét và theo dõi, để xem con người có tốt không, có xứng không, có sai phạm không để xét xử, kết án và loại trừ!

Nhưng tại sao Thiên Chúa lại lừa dối con người ? Ai đặt ra câu hỏi này, thì tức khắc rơi vào cái bẫy chết người của con rắn, của ma quỉ, của Satan, là đã bị rắn đọc cắn vào người. Bà Evà đã tin vào sứ điệp này của con rắn, và hành vi hái trái cấm bỏ vào miệng chỉ là hậu quả tất yếu theo sau. Như thế, tội trong yếu tính không phải là hành vi, nhưng là cả một diễn biến nội tâm dẫn đến hành vi, được gieo rắc bởi Ma Quỉ : đó là không tin thác nơi Thiên Chúa. Không tín thác nơi Thiên Chúa sẽ gây chết chóc cho mình và cho người khác, vì tất yếu, con người sẽ kêu trách Thiên Chúa, không chấp nhận mình, ham muốn những gì người khác có vì lòng ghen tị và tất yếu dẫn đến bạo lực (x. St 37, 12-27 : Giuse và các anh). Đúng như Thiên Chúa đã báo trước : « Ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ chết ». Chết, không phải do hình phạt, nhưng do « nọc độc nghi ngờ », chất chứa trong hành vi vi phạm.

« Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa»

Dựa trên nền tảng của tội nguyên tổ được hiểu như trên, chúng ta có thể khai mở ra cả một cách hiểu mới về ơn vô nhiễm của Đức Mẹ : Đức Maria, Mẹ của chúng ta, đã không tin lời con rắn, nhưng tin vào Lời Chúa. Trình thuật truyền tin nói cho chúng ta sự tín thác tuyện đối của Đức Mẹ :

Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa,
xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.
(Lc 1, 38)

Lời « xin vâng » được thốt ra trong một thời điểm của cuộc sống, nhưng sẽ được Mẹ sống đến cùng nơi Thập Giá, nghĩa là nơi của thử thách và đau khổ tận cùng. Và hôm nay, ơn Vô Nhiệm của Mẹ còn nói cho chúng ta rằng, lời xin vâng của Mẹ đã hiện diện ngay ở khởi đầu ơn sự sống của Mẹ. Vì thế, lời xin vâng của Mẹ còn là một ơn huệ thuần túy và tuyệt đối của Thiên Chúa.

*  *  *

Chúng ta cũng được mời gọi đặt lời xin vâng với lòng tín thác của chúng ta, được diễn tả ngang qua ơn huệ đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi dâng hiến, ơn gọi độc thân hay ơn gọi hôn nhân, trong cùng một hành trình như Đức Mẹ : từ khởi đầu của sự sống đến điểm tận cùng của ơn huệ sự sống. Xin Mẹ nâng đỡ, cầu bầu và dạy dỗ chúng ta với tình Hiền Mẫu.

Mùa Vọng 2017