Gợi ý cầu nguyện với Lời Chúa (19.11.2018 – Thứ hai Tuần 33 Thường niên)

18/11/2018
825
Lời Chúa: Lc 18, 35-43

35 Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường.36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì.37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó.38 Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! “39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! “40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi:41 “Anh muốn tôi làm gì cho anh? ” Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.”42 Đức Giê-su nói: “Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

Suy niệm:

I. Xin cho tôi nhìn thấy

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Trong những năm hành đạo, Đức Giêsu đã chữa một số người mù. 
Vào những ngày cuối đời, khi trên đường lên Giêrusalem lần cuối, 
Ngài đã chữa cho anh mù ở Giêricô. 
Giêricô được coi là thành phố cổ xưa nhất, không xa Giêrusalem, 
nằm ở hạ lưu sông Giođan, thấp hơn mực nước biển 300 mét. 
Anh mù ở Giêricô kiếm sống bằng cách ngồi bên vệ đường ăn xin. 
Anh vừa bị tách biệt với người khác, vừa bị lệ thuộc vào người khác.

Mất khả năng nhìn, nhưng anh vẫn còn khả năng nghe và nói. 
Để gặp được Đức Giêsu, anh đã tận dụng mọi khả năng còn lại. 
Anh nghe tiếng đám đông đi qua, tiếng chân người rộn ràng (c. 36). 
Anh tò mò hỏi xem chuyện gì vậy. 
Khi biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi ngang qua, 
anh thấy ngay điều mình chờ đợi từ lâu, nay đã đến. 
Vị ngôn sứ nổi tiếng này anh nghe đồn đã làm bao phép lạ lẫy lừng. 
Ngay cả người mù bẩm sinh cũng được Ngài làm cho sáng mắt. 
Cơ hội ngàn năm một thuở đã đến rồi. 
Anh tự nhủ mình không thể nào để vuột mất. 
Nhưng làm thế nào để Đức Giêsu lưu tâm đến anh? 
Làm thế nào để cho Ngài dừng lại?

Vũ khí mạnh nhất và gần như duy nhất của anh, là tiếng kêu. 
Chỉ tiếng kêu của anh mới lôi kéo được sự chú ý của Ngài, 
và báo hiệu cho Ngài về sự hiện diện của anh. 
Anh kêu thật to tên Ngài dù không biết Ngài ở đâu. 
“Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (c. 38). 
Hãy nghe tiếng kêu của anh giữa tiếng đám đông ồn ào cười nói. 
Anh kêu tiếng kêu của trái tim, đầy tin tưởng, hy vọng, tha thiết. 
Nhưng tiếng kêu ấy lại bị bắt phải im đi, có thể vì sợ gây phiền hà. 
Anh mù chẳng những đã không vâng lời, lại còn kêu to hơn nữa. 
Rồi tiếng kêu của anh cũng đến tai Đức Giêsu, khiến Ngài dừng chân. 
Đức Giêsu muốn gặp người đã gọi tên mình để xin thương xót (c. 40). 
Cuộc hạnh ngộ bắt đầu bằng câu hỏi anh mong từ lâu: 
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 41). 
Câu trả lời quá hiển nhiên: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.” 
Khi được sáng mắt, anh không phải ngồi bên vệ đường như trước đây. 
Anh đã nhập vào đám đông những người theo Chúa và đi trên đường.

Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi: “Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”, 
tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? tôi sẽ xin Ngài điều gì? 
Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một ơn lớn. 
Có người mù, không biết mình mù, nên vẫn thản nhiên ở lại trong cảnh mù. 
Người ấy có thể vô tội, nhưng có nguy cơ gây hại cho tha nhân (Mt 15, 14). 
Lại có người cố ý không muốn thấy, cố ý mù để khỏi phải thay đổi. 
Họ không thấy được cái xà trong mắt mình (Mt 7, 3). 
Xin Chúa giúp chúng ta xóa những nguyên nhân gây mù, 
đó là dục vọng của đôi mắt (1 Ga 2, 16), là thành kiến về người khác. 
Xin Chúa giúp chúng ta nhờ đối thoại mà ra khỏi tình trạng mù xem voi, 
và được Thánh Thần đưa vào sự thật trọn vẹn (Ga  16, 13). 
Ước gì chúng ta khiêm tốn đến với Chúa Giêsu 
mà “mua thuốc xức mắt để thấy được” (Kh 3, 18).

Cầu nguyện:

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu giãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

 

II. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”
 Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.


Cùng với toàn thể Giáo Hội, trong Thánh Lễ này, chúng ta mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Năm. Cụ thể, có tất cả 96 vị thánh tử đạo: 37 thánh tử đạo linh mục và 59 thánh tử đạo giáo dân, nam và nữ. Các vị đã được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô phong thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.
 
Như chúng ta vừa nghe, đa số các thánh tử đạo là giáo dân nam và nữ. Vậy chúng ta hãy cầu xin cho Giáo Hội và nhất là cho tất cả các Ki-tô hữu, là chính chúng ta, có được niềm xác tín tuyệt đối nơi tình yêu muôn ngàn đời bền vững của Thiên Chúa dành cho chúng ta, bất chấp mọi sự, theo gương của các thánh tử đạo. Như lời thánh Phao-lô nói:
Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
(Rm 8, 38-39)

1. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”

Hôm nay, trong Thánh Lễ này, Đức Giê-su mời gọi một lần nữa với từng người trong chúng ta một cách đặc biệt. Một cách đặc biệt, đó là bởi vì, chúng ta là nòi giống, là con cháu, là hoa trái của máu các vị thánh Tử Đạo, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Vì thế, chúng ta được mời gọi sống và làm chứng cho Tin Mừng đến mức độ anh hùng, theo gương của các Thánh Tử Đạo của chúng ta.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta, sống ơn gọi gia đình hay ơn gọi tu trì, đều cảm thấy lời mời gọi này của Đức Giê-su thật khó hiểu: tại sao lại phải từ bỏ chính mình? Tại sao lại phải vác thập giá hằng ngày? Và không chỉ khó hiểu, nhưng còn khó sống nữa. Khó hiểu và khó sống, nhất là trong bối cảnh của thời đại chúng ta; bởi lẽ, thời này, người ta, và có khi là chính chúng ta nữa, ưa chuộng và tìm cách tôn vinh bản thân mình, hơn là từ bỏ chính mình, ưa chuộng và tìm cách hưởng thụ những lạc thú, hơn là vác thập giá của mình hằng ngày vì lòng mến Đức Ki-tô và để đi theo Đức Ki-tô.

Nhưng kinh nghiệm sống của các Thánh Tử Đạo, của các bậc cha anh, của cha mẹ chúng ta, và của chính chúng ta nữa, cho thấy rằng lời gọi này của Đức Giê-su chỉ có thể hiểu được và sống được trong tương quan giao ước mà thôi, giao ước của chúng ta với Chúa và giao ước của chúng ta với nhau. Giao Ước hiểu theo nhiều cấp độ khác nhau, đó là hôn phối, lời khấn, cam kết, tuyên hứa, hay đơn giản là bổn phận hay tình bạn. Trong khi đó, con người thời nay, lại không thích sống theo giao ước, nhưng chuộng sống theo cảm xúc, vui thì ở, còn buồn thì đi, thì đoạn tuyệt.

Thật vậy, để sống với nhau và sống cho nhau, trong gia đình hay trong cộng đoàn tu trì theo giao ước, chúng ta luôn phải ra khỏi mình để hướng về người khác, phải quên đi chính mình để lo cho người khác, phải mang vào mình những khó khăn và khổ đau, phải trung thành với nhau và với ơn gọi khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi vui cũng như lúc buồn, khi thấy nhau dễ thương cũng như lúc thấy nhau khó thương.
 
Cách sống này có vẻ khắc khổ, sầu bi, đầy vất vả và đau khổ, nhưng nếu được sống bằng tình yêu, sự trung tín, lòng mến, tình thương, tình bạn, thì một cách sống như thế sẽ biến thành niềm vui và hạnh phúc sâu xa và bền vững. Như thánh Au-gus-ti-nô nói, trong tình yêu thì không có đau khổ; và nếu có đau khổ, thì đau khổ này đã được yêu rồi.

2. “Còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”

Nhưng lời của Đức Giê-su còn đi xa hơn nữa: “Còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Chúa mời gọi chúng ta đi theo con đường của Chúa, và chúng ta có thể tự do ưng thuận hay không. Nhưng hậu quả rất là nghiêm trọng và không thể đảo ngược được, đó là mất đi sự sống hay cứu được sự sống mãi mãi. Sự sống của chúng ta, dù có cố giữ lấy hay cho đi, thì rốt cục cũng sẽ qua đi. Và Đức Giê-su mời gọi chúng ta lựa chọn con đường cho đi vì Chúa và theo gương của Chúa, để có thể nhận lại sự sống.

Cho đi sự sống để nhận lại sự sống, điều này vừa khó hiểu và vừa vừa khó sống. Tuy nhiên, đó lại là qui luật muôn đời của chính sự sống và ai trong chúng ta cũng biết và thậm chí có kinh nghiệm về qui luật này của sự sống.

    Đó là hạt lúa mì, vốn phải chịu chôn vùi và nát tan, để nẩy mầm, lớn lên và trổ sinh nhiều hạt khác.
    Đó là sự cho đi chính bản thân mình của cha mẹ, để sự sống được lưu truyền nơi những người con. Điều này đặc biệt đúng nơi những người mẹ: người mẹ phải cho đi chính máu thịt, chính sự sống của mình khi cưu mang sự sống mới, là đứa con; và nhất là khi có những người mẹ, phải hy sinh sự sống của mình để sinh con.
    Đó là đời dâng hiến, là sự hy sinh cuộc đời của các linh mục, tu sĩ nam nữ, để chính Thiên Chúa làm phát sinh ra hoa trái sự sống gấp trăm nơi nhiều người.

3. Qui luật muôn đời của sự sống

Để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi, để phục vụ cho sự sống, phải chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là qui luật muôn đời của sự sống. Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa cũng không đi con đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường của hạt lúa mì: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều…, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”; và Ngài vẫn trao ban sự sống của mình cho chúng ta hằng ngày trong Thánh Lễ, dù chúng ta có như thế nào.

Như thế, lời của Đức Giêsu không chỉ là một thách đố tận cùng, nhưng còn là Tin Mừng tận cùng; vì Ngài hứa với chúng ta rằng con đường của hạt lúa mì, qui luật muôn đời của sự sống, chính là con đường đạt tới sự sống mới, phong phú và viên mãn, con đường nhận lại sự sống từ chính Nguồn Sự Sống là Thiên Chúa hằng sống.
*  *  *
Và đó cũng là niềm xác tín của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mà chúng ta mừng kính hôm này. “
Ai liều mất mạng sống mình vì tôi,
thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 

Đó hiển nhiên là lời hứa ban lại sự sống ở đời sau. Nhưng sức mạnh và niềm vui của Sự Sống mới mai sau, đã được chúng ta cảm nghiệm một cách vừa cụ thể vừa sâu xa ngay hôm nay rồi, và ngay trong hành vi cho đi vì lòng mến Đức Ki-tô.