Gợi ý cầu nguyện với Lời Chúa (18.11.2018 – Chúa nhật – Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Ðạo Việt nam)

17/11/2018
1235
Lời Chúa: (Mt 10, 17-22)

Khi ấy, Ðức Giêsu sai mười hai môn đệ đi và dặn rằng: 17 “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. 19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì: 20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Chúa Cha nói trong anh em.  21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”

Suy Niệm

I. Ðể Làm chứng cho Vua Quan

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Các vị tử đạo Việt Nam đều có kinh nghiệm
sống từng lời của đoạn Tin Mừng hôm nay:
bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra trước vua quan,
bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết.
Tất cả những gì các ngài phải chịu
đều vì Ðức Giêsu (c.18), vì Danh Ðức Giêsu (c.22).
Các ngài cũng có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa.
Bầu khí của toà án là bầu khí của Thiên Chúa Ba Ngôi.
“Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ lên tiếng trong anh em”
để tuyên xưng niềm tin vào Ðức Giêsu (c.19-20)
Cái chết của vị tử đạo cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa
được thi thố nơi một con người mỏng dòn yếu đuối.

Chết vì Ðạo là một cách làm chứng.
Làm chứng cho một niềm tin kiên vững:
Vì tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ðấng Cứu Ðộ,
nên các ngài không bước qua thánh giá.
Làm chứng cho một tình yêu nỏng bỏng:
“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu
của người hiến mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13)
Làm chứng cho một niềm hy vọng mãnh liệt:
có sự sống đời sau, có hạnh phúc vĩnh cửu,
cái chết đưa tôi giáp mặt với Ðấng tôi yêu.
Các vị tử đạo đã làm chứng bằng cái chết.
Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống.
Làm chứng nào cũng đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi,
vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian sa đọa.

Các vị tử đạo thường bị đặt trước thánh giá.
Bước qua là được tiếp tục sống sung sướng an nhàn.
Không bước qua là phải chịu tù đày, đòn vọt,
mất tất cả và mất chính mạng sống.
Chỉ cần một bước chân, là mọi sự thay đổi.
Ðã có người bước qua, và cũng có người không.
Có người bị khiêng qua thánh giá,
nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Ðích.
Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận.
Ðó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân:
Âutinh Huy, Nicôla Thể và Ðaminh Ðạt.
Có người được mời giả vờ bước qua thánh giá
để quan có cớ mà tha, như thánh Micae Hồ Ðình Hy,
nhưng họ đã thắng được cơn cám dỗ tinh vi ấy.
Ðứng trước thánh giá là đứng trước một lựa chọn.
Tôi chọn Ngài hay tôi chọn tôi?
Không có giải pháp dung hoà hay lấp lửng.

Giây phút đứng trước thánh giá là giây phút quan trọng.
Quyết định không bước qua thánh giá
là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện,
của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo,
của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm,
của những Vườn Dầu trong ngục thất…
Thời nào chúng ta cũng được đặt trước thánh giá,
dấu hiệu của sự từ bỏ để phục vụ.
Lúc nào chúng ta cũng có nguy cơ bước qua thánh giá,
bằng đời sống hưởng thụ và ích kỷ của mình.

Cầu Nguyện

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu
trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.
Sự hy sinh của các ngài
cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết
và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.
Dù mang phận người yếu đuối,
nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,
các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài
biết can trường sống đức tin của bậc cha anh
trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,
biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu
bằng một đời hiến thân phục vụ.

Ước gì ngọn lửa đức tin
mà các ngài đã thắp lên
bằng cuộc sống và cái chết,
được bừng tỏa trên Tổ Quốc Việt Nam.

Ước gì máu thắm của các ngài
thấm vào mảnh đất quê hương
để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.



II.“Ai liều mất sự sống mình vì Tôi…”
 Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.

Cùng với toàn thể Giáo Hội, trong Thánh Lễ này, chúng ta mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Năm. Cụ thể, có tất cả 96 vị thánh tử đạo: 37 thánh tử đạo linh mục và 59 thánh tử đạo giáo dân, nam và nữ. Các vị đã được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô phong thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Như chúng ta vừa nghe, đa số các thánh tử đạo là giáo dân nam và nữ. Vậy chúng ta hãy cầu xin cho Giáo Hội và nhất là cho tất cả các Ki-tô hữu, là chính chúng ta, có được niềm xác tín tuyệt đối nơi tình yêu muôn ngàn đời bền vững của Thiên Chúa dành cho chúng ta, bất chấp mọi sự, theo gương của các thánh tử đạo. Như lời thánh Phao-lô nói:

Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

1.  “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”

Hôm nay, trong Thánh Lễ này, Đức Giê-su mời gọi một lần nữa với từng người trong chúng ta một cách đặc biệt. Một cách đặc biệt, đó là bởi vì, chúng ta là nòi giống, là con cháu, là hoa trái của máu các vị thánh Tử Đạo, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Vì thế, chúng ta được mời gọi sống và làm chứng cho Tin Mừng đến mức độ anh hùng, theo gương của các Thánh Tử Đạo của chúng ta.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta, sống ơn gọi gia đình hay ơn gọi tu trì, đều cảm thấy lời mời gọi này của Đức Giê-su thật khó hiểu: tại sao lại phải từ bỏ chính mình? Tại sao lại phải vác thập giá hằng ngày? Và không chỉ khó hiểu, nhưng còn khó sống nữa. Khó hiểu và khó sống, nhất là trong bối cảnh của thời đại chúng ta; bởi lẽ, thời này, người ta, và có khi là chính chúng ta nữa, ưa chuộng và tìm cách tôn vinh bản thân mình, hơn là từ bỏ chính mình, ưa chuộng và tìm cách hưởng thụ những lạc thú, hơn là vác thập giá của mình hằng ngày vì lòng mến Đức Ki-tô và để đi theo Đức Ki-tô.

Nhưng kinh nghiệm sống của các Thánh Tử Đạo, của các bậc cha anh, của cha mẹ chúng ta, và của chính chúng ta nữa, cho thấy rằng lời gọi này của Đức Giê-su chỉ có thể hiểu được và sống được trong tương quan giao ước mà thôi, giao ước của chúng ta với Chúa và giao ước của chúng ta với nhau. Giao Ước hiểu theo nhiều cấp độ khác nhau, đó là hôn phối, lời khấn, cam kết, tuyên hứa, hay đơn giản là bổn phận hay tình bạn. Trong khi đó, con người thời nay, lại không thích sống theo giao ước, nhưng chuộng sống theo cảm xúc, vui thì ở, còn buồn thì đi, thì đoạn tuyệt.

Thật vậy, để sống với nhau và sống cho nhau, trong gia đình hay trong cộng đoàn tu trì theo giao ước, chúng ta luôn phải ra khỏi mình để hướng về người khác, phải quên đi chính mình để lo cho người khác, phải mang vào mình những khó khăn và khổ đau, phải trung thành với nhau và với ơn gọi khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi vui cũng như lúc buồn, khi thấy nhau dễ thương cũng như lúc thấy nhau khó thương.

Cách sống này có vẻ khắc khổ, sầu bi, đầy vất vả và đau khổ, nhưng nếu được sống bằng tình yêu, sự trung tín, lòng mến, tình thương, tình bạn, thì một cách sống như thế sẽ biến thành niềm vui và hạnh phúc sâu xa và bền vững. Như thánh Au-gus-ti-nô nói, trong tình yêu thì không có đau khổ; và nếu có đau khổ, thì đau khổ này đã được yêu rồi.

2. “Còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”

Nhưng lời của Đức Giê-su còn đi xa hơn nữa: “Còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Chúa mời gọi chúng ta đi theo con đường của Chúa, và chúng ta có thể tự do ưng thuận hay không. Nhưng hậu quả rất là nghiêm trọng và không thể đảo ngược được, đó là mất đi sự sống hay cứu được sự sống mãi mãi. Sự sống của chúng ta, dù có cố giữ lấy hay cho đi, thì rốt cục cũng sẽ qua đi. Và Đức Giê-su mời gọi chúng ta lựa chọn con đường cho đi vì Chúa và theo gương của Chúa, để có thể nhận lại sự sống.

Cho đi sự sống để nhận lại sự sống, điều này vừa khó hiểu và vừa vừa khó sống. Tuy nhiên, đó lại là qui luật muôn đời của chính sự sống và ai trong chúng ta cũng biết và thậm chí có kinh nghiệm về qui luật này của sự sống.

Đó là hạt lúa mì, vốn phải chịu chôn vùi và nát tan, để nẩy mầm, lớn lên và trổ sinh nhiều hạt khác.
Đó là sự cho đi chính bản thân mình của cha mẹ, để sự sống được lưu truyền nơi những người con. Điều này đặc biệt đúng nơi những người mẹ: người mẹ phải cho đi chính máu thịt, chính sự sống của mình khi cưu mang sự sống mới, là đứa con; và nhất là khi có những người mẹ, phải hy sinh sự sống của mình để sinh con.
Đó là đời dâng hiến, là sự hy sinh cuộc đời của các linh mục, tu sĩ nam nữ, để chính Thiên Chúa làm phát sinh ra hoa trái sự sống gấp trăm nơi nhiều người.
 
3. Qui luật muôn đời của sự sống

Để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi, để phục vụ cho sự sống, phải chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là qui luật muôn đời của sự sống. Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa cũng không đi con đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường của hạt lúa mì: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều…, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”; và Ngài vẫn trao ban sự sống của mình cho chúng ta hằng ngày trong Thánh Lễ, dù chúng ta có như thế nào.

Như thế, lời của Đức Giêsu không chỉ là một thách đố tận cùng, nhưng còn là Tin Mừng tận cùng; vì Ngài hứa với chúng ta rằng con đường của hạt lúa mì, qui luật muôn đời của sự sống, chính là con đường đạt tới sự sống mới, phong phú và viên mãn, con đường nhận lại sự sống từ chính Nguồn Sự Sống là Thiên Chúa hằng sống.

* * *
Và đó cũng là niềm xác tín của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mà chúng ta mừng kính hôm này. “

Ai liều mất mạng sống mình vì tôi,
thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

Đó hiển nhiên là lời hứa ban lại sự sống ở đời sau. Nhưng sức mạnh và niềm vui của Sự Sống mới mai sau, đã được chúng ta cảm nghiệm một cách vừa cụ thể vừa sâu xa ngay hôm nay rồi, và ngay trong hành vi cho đi vì lòng mến Đức Ki-tô.