Gợi ý cầu nguyện với Lời Chúa (17.11.2018 – Thứ bảy Tuần 32 Thường niên)

16/11/2018
438
Lời Chúa: Lc 18, 1-8

1 Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.2 Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì.3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì,5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.”6 Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó!7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? “

Suy niệm:

I. Không được nản chí

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Một trong những lý do khiến người ta bỏ cầu nguyện,
đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa. 
Con người bị áp bức, khổ đau, nên kêu gào lên Chúa, 
nhưng tiếng kêu thảm thiết của họ dường như chẳng được nghe. 
Thiên Chúa có hiện hữu không? 
Nếu Ngài có mặt, sao Ngài không cứu giúp ta ra khỏi nỗi quẫn bách? 
Đã có bao lời cầu nguyện từ sáu triệu người Do thái 
trước khi họ bị quân Đức quốc xã giết hại dã man. 
Họ kêu lên cùng Chúa là Đấng đã giải thoát tổ tiên họ khỏi cảnh nô lệ. 
Nhưng tại sao bây giờ Ngài lại lặng yên, để sự dữ lộng hành?

 “Phải cầu nguyện luôn luôn và không được nản chí” (c. 1). 
Không nên thấy Thiên Chúa lặng thinh mà vội bỏ cuộc. 
Đức Giêsu đã kể dụ ngôn về sự kiên trì của một bà góa. 
Bà chẳng còn chỗ dựa tinh thần và vật chất nơi người chồng. 
Thiếu sự chở che của chồng, bà dễ bị người khác đối xử bất công. 
Chính vì thế bà đã nhiều lần đến vị quan tòa để đòi hỏi công lý. 
Tiếc thay vị quan tòa lại không phải là người tốt. 
“Ông chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (c. 2). 
Thế nên vụ kiện cứ bị ngâm trong một thời gian khá lâu. 
Nhưng bà góa này quyết không nản lòng, cứ quấy rầy vị quan tòa. 
Cuối cùng, ông ta đành giải quyết, chỉ vì muốn yên chuyện (c. 5). 
Thiên Chúa dĩ nhiên khác hẳn viên quan tòa bất chính trên đây. 
Ngài không trì hoãn việc xét xử, nhưng sẽ mau chóng trả lại công lý 
cho những kẻ ngày đêm kêu lên Ngài (cc. 7- 8). 
Thiên Chúa không nhậm lời chúng ta để tránh bị quấy rầy hay rắc rối, 
nhưng vì Ngài là Đấng Công Chính biết lắng nghe tiếng kêu than.

Trong thế giới hôm nay, sự dữ vẫn làm mưa làm gió.
Bóng tối như nuốt chửng ánh sáng, sự ác có vẻ mạnh mẽ hơn sự thiện. 
Vẫn có những bà góa neo đơn phải chịu cảnh bất công. 
Vẫn có những phụ nữ và trẻ em bị bóc lột và lạm dụng. 
Đức tin người Kitô hữu có thể bị xao động khi nhìn vào thế giới.

Nhiều khi con người cảm thấy mình yếu đuối và bất lực. 
Hãy cầu nguyện luôn, hãy kêu lên Chúa đêm ngày! 
Đừng mất niềm tin vào Thiên Chúa (c. 8),
dù tiếng kêu của những người thấp cổ bé miệng vọng lên trời cao 
vẫn chưa có tiếng trả lời ngay lập tức. 
Cuộc chiến với những bất công trên thế giới còn kéo dài. 
Người Kitô hữu được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa cho sứ vụ ấy. 
Chúng ta cần có sự hỗ trợ từ trời, 
để hoán cải lòng người từ bên trong, để xây dựng một thế giới mới. 
Kiến tạo một trái đất công bằng và bác ái, 
đó là ước mơ của Thiên Chúa và cũng là ước mơ của chúng ta. 
Xin Ngài ra tay hành động mạnh mẽ, 
nhưng xin cho chúng con trở nên khí cụ hữu hiệu để tay Ngài dùng.

Cầu nguyện:

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc 
được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa 
để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao 
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện 
thấm nhuần vào cả đời con. 
Nhờ cầu nguyện, 
xin cho con gặp được con người thật của con 
và khuôn mặt thật của Chúa.


II. Phải cầu nguyện luôn
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca của Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, Đức Giê-su kể dụ ngôn “Bà góa bị ăn hiếp và ông quan tòa bất chính”, để dạy các môn đệ và qua các môn đệ dạy chúng ta hôm nay, phải cầu nguyện luôn.

Hiểu dụ ngôn của Đức Giê-su với hai nhân vật chính bà góa và ông quan tòa, trong tương quan với việc cầu nguyện kiên trì, phải làm cho cho chúng ta ngạc nhiên.

 1 – Bà góa bị ăn hiếp

Điều gây ngạc nhiên đầu tiên, là hình ảnh bà góa bị ăn hiếp. Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải cầu nguyện luôn, không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh người bệnh, người già, người nghèo, một đấng bậc, nhưng dùng hình ảnh người phụ nữ góa bụa! Hình như Đức Giê-su thương các bà góa cách đặc biệt, chẳng hạn bà góa thành Na-in có đứa trai nhỏ duy nhất bị chết sớm (x. Lc 7, 12), bà góa bỏ vào thùng tiền quên góp trong Đền Thờ, tất cả những gì mình có, là hai đồng tiền nhỏ (x. Lc 21, 2).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đề cao hình ảnh bà góa, có lẽ đó là vì người phụ nữ là hình ảnh đẹp nhất và đúng nhất để nói lên cung cách cầu nguyện liên lỉ, tín thác và cầu nguyện đến quên mình. Và hình ảnh người phụ nữ cầu nguyện tuyệt vời nhất, chính là Đức Maria; và ở bình diện xã hội, Mẹ cũng là một bà góa!

Tuy nhiên, lí do quan trọng nhất của sự kiện Đức Giê-su thích dùng hình ảnh bà góa, đó là vì hình ảnh này nói lên tốt nhất thân phận của loài người chúng ta. Giống như bà góa trong dụ ngôn, yếu thế trước sức mạnh của những người muốn hãm hại và trục lợi, loài người chúng ta cũng yếu thế trước sức mạnh của của Tội Lỗi, của Sa-tan, của Sự Dữ. Chính vì thế, điều khiến bà góa nhiều lần đến với ông quan tòa kêu xin sự minh xét, chính là tình cảnh bị ăn hiếp, chứ không phải là những nhu cầu khác hay khó khăn khác.

Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho”.(c. 3)

Bị sự dữ ăn hiếp, như lúc con rắn, biểu tượng của sự dữ, ăn hiếp bà Eva trong vườn E-đen, chính là tình cảnh của cả loài người và của từng người chúng ta. Tình cảnh này cho thấy rằng sự dữ mạnh chúng ta, và chúng ta thật đáng thương trước mặt Thiên Chúa, hơn là đáng trách phạt.

Như thế, chúng ta cần Thiên Chúa biết bao để được minh xét, để được giải thoát khỏi tội lỗi, ma quỉ và sự dữ, vì nếu sự dữ mạnh hơn chúng ta, thì Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ.

2 – Ông quan tòa bất chính

Điều gây ngạc nhiên thứ hai, là hình ảnh ông quan tòa bất chính. Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải cầu nguyện luôn, không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh thật đẹp đẽ, thật đạo đức thánh thiện, nhưng lại dùng hình ảnh ông quan tòa bất chính:

Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì.(c. 2)

Nhất là thái độ này của ông được nói tới hai lần trong lời kể của Đức Giê-su (c. 2 và 4). Và điều càng gây ngạc nhiên hơn nữa, khi Đức Giê-su không ngần ngại so sánh ông quan tòa này với chính Thiên Chúa!

Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? (c. 6-7)

Người chưa hoàn thiện như chúng ta, người bất chính như ông quan tòa, còn biết đối xử tốt với người khác, huống hồ là Thiên Chúa tình yêu, nhân hậu và giàu lòng thương xót. Như thế, hình ảnh ông quan tòa bất chính được Đức Giê-su dùng trong dụ ngôn, chính là để làm bật lên sự tương phản tuyệt đối giữa:

Một bên là vị quan tòa bất chính, còn bên kia là Thiên Chúa vô cùng công chính và thánh thiện, vô cùng bao dung và thương xót.
Một bên là bà góa xa lạ đối với vị quan tòa, còn bên kia là “những người Thiên Chúa đã tuyển chọn”, là người thân của Chúa, là chính chúng ta; vì như thánh Phao-lô nói, chúng ta được tuyển chọn làm nghĩa tử từ trước muôn đời trong Đức Ki-tô.
Một bên vị quan tòa minh xét cho bà góa để khỏi bị quấy rầy, còn bên kia, Thiên Chúa đoái nghe và minh xét cho những người Ngài đã tuyển chọn, không phải để đừng bị quấy rầy, nhưng vì tình thương và lòng thương xót.
Vẫn chưa hết, như chúng ta đều biết và thậm chí có kinh nghiệm, các vị quan tòa xét xử chưa chắc đã công minh và tôn trọng sự thật. Nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ như thế, bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và còn hơn cả sự thật, Ngài là Tình Yêu thương xót.

 3 – Đức Ki-tô chịu đóng đinh

Hai hình ảnh bà góa và ông quan tòa đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, mời gọi chúng ta nhớ lại hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh, là hình ảnh diễn tả cho chúng ta khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, và mãi mãi phải làm cho chúng ta ngạc nhiên.

Thật vậy, Thiên Chúa đã  minh xét cho chúng ta rồi bằng tình yêu và lòng thương xót, nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên Thánh Giá, như thánh Phao-lô nói:

Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ ra nơi Đức Ki-tô.(Rm 8, 39)

Chúng ta chỉ cần kêu xin ơn giải thoát, đón nhận và sống tín thác đến cùng trong những thử thách của cuộc đời và của đời người.

*  *  *

Nhưng vẫn còn điều đáng ngạc nhiên thứ ba nữa, đó là câu nói sau cùng của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng:

Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không? (c. 8)

Đáng ngạc nhiên, vì phải chăng Đức Giê-su lo ngại rằng, lòng tin sẽ mai một đi nơi chúng ta và những thế hệ tương lai? Nếu là như vậy, chúng ta được mời gọi hiểu và sống (hơn là biết như kiến thức) mạnh mẽ hơn lòng tin của chúng ta bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ. Nhất là với những hoa trái Chúa ban cho Giáo Hội và cho từng người chúng ta trong Năm Thánh về Đức Tin và Năm Thánh về Lòng Thương Xót, chúng ta được mời gọi để cho Chúa và Lòng Thương Xót của Người đi vào trong tâm hồn và trong cuộc sống của chúng ta, nhất là trong lựa chọn, và chúng ta được mời gọi lưu truyền lòng tin này cho mọi người hôm nay.

Bởi vì lòng tin nơi lòng thương xót của Chúa có sức mạnh cứu độ, như chính Đức Giê-su đã nói:

Lòng tin của con đã cứu con. (Lc 7, 50)