Gợi ý cầu nguyện với Lời Chúa (4.12.2018 – Thứ ba Tuần 1 Mùa Vọng)

03/12/2018
418
Lời Chúa: Lc 10, 21-24

Khi ấy, được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” Rồi Ðức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

Suy niệm:

II. Thánh Thần tác động
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Ông tổ Jessê là cha của vua Đavít (Lc 3, 32). 
Bài đọc 1 nói về một nhánh nhỏ đâm ra từ gốc tổ Jessê (Is 11, 1).
Đó là Đấng Mêsia, người thuộc dòng dõi Jessê, cha của Đavít. 
Nét đặc biệt của Đấng này là có Thần Khí Đức Chúa ngự trên: 
“thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, 
thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11, 2).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu được đầy tràn Thánh Thần, 
khiến Ngài vui sướng dâng lên Cha lời cầu nguyện tự phát (c. 21). 
Như thế có sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa trong giây phút này. 
Trong Thánh Thần, Con dâng lên Cha lời ngợi khen chúc tụng. 
Lời cầu nguyện của Con bao giờ cũng bắt đầu bằng câu Abba, Lạy Cha. 
Abba là người Cha gần gũi thân thương, 
nhưng Abba cũng là Chúa tể trời đất, đầy quyền năng siêu việt. 
Đức Giêsu ngợi khen Cha, vì Cha giấu kín nhóm này, 
nhưng lại mặc khải cho nhóm kia về Con của Cha. 
Thật ra, Cha không ghét bỏ những người khôn ngoan thông thái. 
Nhưng sự giàu có tri thức đã khiến một số người tự mãn, tự hào, 
đi đến chỗ khép lại và từ chối tin vào Đức Giêsu. 
Những người bé mọn, đơn sơ mới là những người khôn ngoan thật sự. 
Họ mềm mại mở ra như trẻ thơ, để đón nhận Tin Mừng về Nước Trời.

Bảy mươi hai môn đệ mới đi sứ vụ trở về, là những người bé mọn ấy. 
Họ là những người có phúc vì được thấy, được nghe 
những điều mà bao thế hệ khác ước ao, nhưng không được (cc. 23-24). 
Họ là những người được đưa vào thế giới thân tình giữa Cha và Con. 
Thế giới ấy thật là riêng tư, nơi Cha và Con hiểu biết nhau trọn vẹn. 
“Không ai thực sự biết Con là ai, trừ Cha;
cũng không ai thực sự biết Cha là ai, trừ Con” (c. 22). 
Nhưng thế giới tưởng như khép kín ấy cũng là thế giới mở ra cho con người. 
Cha mặc khải cho những người bé mọn (c. 21). 
Và Con cũng mặc khải cho người nào Con muốn (c. 22). 
Rốt cuộc Cha mặc khải về Con, và Con mặc khải về Cha. 
Chỉ Thiên Chúa mới mặc khải được cho ta về Thiên Chúa.

Mừng lễ Giáng Sinh là mừng Quà Tặng của Cha là Đức Giêsu. 
Ngài là Đấng duy nhất biết Cha thâm sâu, 
nên cũng là Đấng duy nhất có thể mặc khải về Cha trọn vẹn. 
Ngài là Đấng Trung Gian duy nhất và là Người Con Một của Cha. 
Thiên Chúa Cha đã bắc cho chúng ta một nhịp cầu. 
Cha mời chúng ta qua nhịp cầu ấy mà đến với thế giới Thiên Chúa, 
nơi Cha và Con khăng khít với nhau trong tình yêu. 
Hãy để Cha lôi kéo ta đến với Con của Ngài (Ga 6, 44). 
Hãy để Con là đường đưa ta đến với Cha (Ga 14, 6). 
Hãy là người khôn ngoan thật sự, biết mở ra để nghe Cha, Con mặc khải. 
Biết được Cha và Con là ai, đó là hạnh phúc của người Kitô hữu. 
Đó cũng là ước mơ ngàn đời của Cha và Con cho nhân loại.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
(Thánh Âu-Tinh)


II. Mặc khải cho những người bé mọn
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.

Bản văn Tin Mừng có cấu trúc song song đối xứng như sau :

(A) « Đức Giê-su hớn hở vui mừng » (c. 21)

(B) Chúa Cha, Người con
và “Kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (c. 22)

(A’) « Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! » (c. 23-24)

 « Đức Giê-su hớn hở vui mừng » (c. 21)

Trước hết, chúng ta hãy ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui với Đức Giê-su, chia sẻ mỗi ngày, vì đây là « niềm vui vĩnh cửu » của Người. Và niềm vui của Người đến từ việc nhận ra cách hành động của Chúa Cha và hoàn toàn được chinh phục. Tương tự như Đức Maria, Mẹ của chúng ta, đã thốt lên trong Thánh Thần : « Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa » vì đã nhận ra « những điều cao cả » Người làm cho Mẹ, là « Nữ Tì hèn mọn » và tương tự như vậy, cho « những ai kính sợ Người », cho « mọi kẻ khiêm nhường », cho « kẻ đói nghèo », cho tôi tớ đau khổ của Người là Israen :

Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”. (c. 21-22)

Và chuyển động ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui ca tụng Chúa Cha của Đức Giê-su, chỉ trọn vẹn, khi chính ta cũng được Thánh Thần tác động, để nhận ra cùng một cung cách hành động của Chúa Cha được thể hiện trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta, và ca tụng Người trong niềm vui. Đó chính là con đường, là « linh đạo », làm cho chúng ta trở nên giống Đức Ki-tô. Và đây là linh đạo của mọi linh đạo, vì đến từ Kinh Thánh được hoàn tất nơi Đức Ki-tô. Nhưng, ai là những người khôn ngoan và ai những người thông thái ? Ai là những người bé mọn ?

 Chúa Cha, Người Con và “Kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (c 22)

Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói với Chúa Cha : « Lạy Cha là Chúa Tể trời đất… » (c. 21), sau đó với mọi người : « Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi… » (c. 22), và sau cùng với riêng các môn đệ đang hiện diện bên cạnh Người : « Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy… » (c. 23-24). Như thế, « những người bé mọn » mà Chúa Cha tuyển chọn để mặc khải là chính các môn đệ ; và chính khi chúng ta biết khiêm tốn trở thành môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta sẽ là « những kẻ bé mọn » mà Chúa Cha ưa thích. Bởi vì, chính Đức Giê-su cũng trở nên « bé mọn » ở giữa chúng ta trong mầu nhiệm Giáng Sinh, trong mầu nhiệm Thánh Thể và trong mầu nhiệm Thương Khó ; và Chúa Cha nói về Người : « Đây là Con ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người ».

Trong cả ba lời nói này, Đức Giê-su đều nói về mặc khải (trái với mặc khải là dấu kín) và hệ quả của mặc khải : « Cha đã dấu kín…, nhưng lại mặc khải… » ; « và những kẻ Người Con muốn mặc khải cho » ; « phúc thay mắt nào được thấy », « muốn nghe điều anh em nghe ». Nhưng Chúa Cha và Người Con mặc khải những gì, để cho các môn đệ, là « những người bé mọn » thấy và nghe ? Điều các môn đệ thấy và nghe là chính Đức Giê-su : Đức Giê-su là mặc khải của Chúa Cha và cũng chính Đức Giê-su mặc khải về Chúa Cha cho những người bé mọn.

 « Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!» (c. 23-24)

Đức Giê-su là mặc khải lớn nhất của Chúa Cha và Chúa Cha là mặc khải lớn nhất của Đức Giê-su cho các môn đệ, là « những người bé mọn ». Vì thế, được « thấy và nghe » Người là một mối phúc. Phúc cho các môn đệ đang vây quanh Đức Giê-su, và cũng phúc cho chúng ta hôm nay, bởi vì chúng ta cũng được mời gọi mỗi ngày nhận ra, lắng nghe, hiểu biết, yêu mến và đi theo Người. Bởi vì, Người hiện diện và lên tiếng trong sáng tạo, trong lịch sử nhân loại và lịch sử đời tôi, và một cách trọn vẹn nơi Lời Kinh Thánh, Bánh Thánh Thể, được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua.

Chúng ta vẫn có thể sống mối phúc « thấy và nghe » Đấng Vô Hình, bởi đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có ơn gọi không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng là nhận ra những thực tại vô hình : ngôi vị, tình yêu, tình bạn, sự hiện diện qua các dấu chỉ, quà tặng, ân huệ Thiên Chúa, sự hiện diện sáng tạo của Thiên Chúa nơi mọi sự :

Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu
(Tv 8, 2)

Và đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe âm thanh, nhưng là nghe ra ý nghĩa, sự hài hòa của âm thanh, giai điệu, kết cấu của âm thanh, nghe ra Ngôi Lời trong mọi sự, vì « Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành » (Ga 1, 3 và St 1) :

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
(Tv 19, 2)

Tương tự như với thánh Phê-rô, Đấng Phục Sinh sau khi vượt qua sự chết để đi vào sự sống vĩnh hằng, vẫn mời gọi thánh nhân, và ngang qua thánh nhân, Người vẫn tiếp tục mời gọi từng người chúng ta hôm nay : « Hãy theo Thầy » (Ga 21, 19).

*  *  *

Và để đi theo Đức Ki-tô, chúng ta phải nhận ra Người. Đức Ki-tô phục sinh bày tỏ mình ra cách trực tiếp, đó là ơn đặc biệt Ngài dành cho các chứng nhân đầu tiên, để có thể thực hiện sứ mạng lớn lao và khó khăn ; nhưng các chứng nhân này không được miễn trừ khỏi kinh nghiệm thứ hai, là kinh nghiệm dành cho mọi người, đó là hiểu Kinh Thánh trong tương quan với cuộc đời của Đức Giêsu và nhất là với mầu nhiệm chết và phục sinh của Ngài. 

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh (Lc 24, 44)

Ngày hôm nay, Đức Ki-tô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với hai môn đệ Emmau, qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta.

Đức Ki-tô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất Kinh Thánh. Đức Ki-tô đã “hoàn tất” Kinh Thánh như thế nào, thì cũng sẽ “hoàn tất” đời tôi như thế: Đời tôi cũng « loan báo » Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất đời tôi. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy”.

Mùa Vọng 2017