Được Rửa Tội Và Được Sai Đi: ngày 20 tháng 10 năm 2019

19/10/2019
353
 

Lời Chúa: Xh 17, 8-13; Tv 121, 1-8; 2 Tm 3, 14-4, 2; Lc 18, 1-8

Chúa Nhật hôm nay là ngày được Giáo Hội dành riêng cho công cuộc truyền giáo trên thế giới. Bài đọc I chúng ta vừa nghe nói về cuộc chiến giữa người A-ma-lếch và con cái Israel. Cuộc chiến này có thể gây ra một vài hiểu lầm đối với những ai muốn nói về tầm quan trọng của lời mời gọi Ki-tô giáo. Người ta có thể hiểu lầm rằng đây là lời mời gọi cho một cuộc Thánh Chiến hoặc sự thịnh vượng cuồng tín. Ngược lại, sứ vụ nhắm tới việc công bố cuộc Xuất Hành của Chúa Giê-su và của sự hoà giải mà Thiên Chúa muốn tặng ban. Mục đích của lời mời gọi này là trở nên những chứng nhân cho Chúa Giê-su Ki-tô, loan báo Tin Mừng của Ngài, và xây dựng Giáo Hội trong tinh thần liên đới chân thành và tôn trọng tự do tín ngưỡng,  bằng cách tìm kiếm sự hiệp nhất và công bình cho thế giới. Không cần phải đề cập đến yếu tố mà chính Tin Mừng dạy chúng ta, qua gương sáng của Chúa Ki-tô, yêu thương kẻ thủ và cầu nguyện cho những người bắt bớ mình. Khi người tín hữu được lãnh nhận phép rửa và  được sai đi không phải để bán một sản phẩm hay áp đặt điều gì đó trên người khác, nhưng Giáo Hội của Chúa Ki-tô trong sứ vụ của mình, người tín hữu lãnh nhận được sự sống thần thiêng, sẽ công bố, làm chứng, và loan báo chính ơn cứu độ dành cho chính mình và cho tất cả mọi người.

Đoạn Kinh Thánh về biến cố Xuất hành (17, 8-13) gợi nên ký ức của một thời kỳ  mà dân Israel, những người ra đi để tiến về miền Đất hứa, bị áp bức một cách nghiệt ngã và phải tranh đấu cho sự sinh tồn của họ. Nắm chắc phần thắng trong tay, cũng như được trả tự do khỏi tay người Ai Cập, họ chỉ biết tạ ơn Chúa mà thôi. Chính vì thế mà dân Israel giữ ký ức của cuộc chiến này, và của những người sẽ theo họ, như là một chứng từ cho lòng tin của họ vào Thiên Chúa, Chúa của đất trời, Chúa của các bậc thiên thần. Chỉ có Ngài mới có thể xoa dịu nỗi đau của kẻ yếu đuối và trả tự do cho người bị áp bức. Đây chính là lời ca tụng mà tác giả thánh vịnh, với lòng tin tưởng và biết ơn, ca tụng Chúa, Đấng bảo vệ Israel:
Con ngước mắt nhìn lên đỉnh núi,
Ơn cứu độ con đến từ nơi nao?
Ơn cứu độ con đến từ Đức Chúa,
Là Đấng dựng lên cả đất trời. (Tv 121, 1-2).

Các yếu tố xâm chiếm, căm hờn, và bào thù đã đi kèm với phương thức giải thích đức tin trong lịch sử Cựu Ước đã dần được thanh luyện qua các thời kỳ, như các tiên tri, các nhà hiền nhân, và trên hết là chính Chúa Giê-su, Hoàng Tử của bình an và công lý, Người đã được tiên báo bởi các tiên tri và được chờ đợi qua nhiều thế kỷ. Việc dùng sức mạnh và bạo lực để phá huỷ các tượng thần, thì trong Chúa Giê-su trở thành niềm đam mê cháy bỏng và tình yêu nung nấu cho ơn cứu độ của tất cả mọi người.

Thánh giá của Chúa Giê-su chính là nơi mà bóng tối của tội lỗi bị đánh bại, bởi vì tình yêu của Người - Đấng đã thí mạng vì chúng ta, Người chết thay cho chúng ta, Người làm cho cái chết của chúng ta trở thành cái chết của Ngài. Người cũng chết cho chính những kẻ đã tố cáo Người và kẻ thù của Người. Tất cả sự hận thù bị huỷ diệt bởi Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô. Nơi Người sự hận thù và sự chết, trong sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi, khơi lên một tình yêu vĩ đại hơn và lòng nhân từ một cách trọn vẹn hơn. Thiên Chúa đã phá huỷ tội lỗi, bất công, và sự chết bằng cách gánh tất cả trên vai của Người. Tình yêu đã chiến thắng sự chết. “Cái chết của Chúa Kitô trên Thánh Giá là đỉnh cao của việc Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình, trong đó Thiên Chúa tự hiến chính mình để nâng con người lên và cứu độ họ. Đó là tình yêu trong hình thái triệt để nhất.” (18) Trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, sự giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết đã được thực hiện.” (Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô 16, Sacramentum Caritatis, 9). Tân Ước và toàn bộ Sách Thánh giới thiệu cho chúng ta và hướng dẫn chúng ta hành động cứu độ của Thiên Chúa giữa lòng thế giới.

Từ góc độ này, bài đọc II cho chúng ta thấy cách mà Phao-lô dạy Ti-mô-thê về tầm quan trọng của Thánh Kinh: “Và từ thơ ấu anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin và Đức Ki-tô Giê-su” (2 Tm 3,15). Timôthê, trong thực tế, đã học Thánh Kinh từ khi còn nhỏ, giống như những đứa trẻ Do Thái khác; kể từ đó, các em Ki-tô hữu cũng học Thánh Kinh với sự hướng dẫn của cha mẹ và công đoàn. Ti-mô-thê là một thanh niên trẻ, cùng với gia đình, anh đón nhận đức tin trong hành trình rao giảng tin mừng đầu tiên của Thánh Tông Đồ Phaolô và sau đó đã trở thành một thành viên của nhóm rao giảng Tin Mừng. Là con trai của người mẹ Do Thái và người bố Hy Lạp. Từ khi còn nhỏ Ti-mô-thê đã được giáo dục kỹ lưỡng và chắc chắn về tôn giáo từ bà của mình là Lo-is và mẹ là Eu-ni-ce, người đã giới thiệu cho Ti-mô-thê hiểu biết về  Kinh Thánh. Điều này rất cần thiết bởi Thánh Kinh được linh hứng bởi Thiên Chúa, và nếu được giải thích tốt (thay vì bị lạm dụng và bị bóp méo, như trong thư thứ 2 của Phêrô nhắc nhở chúng ta (2 Pr 1, 19-21), chúng ta sẽ được khích lệ làm những việc tốt, trở nên công chính, và thánh thiện. Lòng nhiệt thành truyền giáo hoàn hảo nhất không phải là sức mạnh của quyền lực; nhưng là khao khát một tinh thần huynh đệ trong Chúa Kitô và qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần - biết cộng tác để đem ơn cứu độ và hạnh phúc đến cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, và ngôn ngữ. Không ngừng mang lại hy vọng và niềm vui cũng như tìm kiếm một sự sống tràn đầy bình an đích thực, đó là Chúa Giê-su Ki-tô - Đấng đã chết và sống lại. Chính vì lý do này, Phao-lô đã động viên Ti-mô-thê một cách hăng say đến nỗi trong khi chờ đợi quang lâm của Thiên Chúa, Ti-mô-thê đã cống hiến cả linh hồn và thân xác để truyền dạy Lời Chúa.

Thánh Tông Đồ thường xuyên đề cập trong các thư của ngài về công việc mục vụ của Ti-mô-thê như là công việc truyền giáo. Lúc nào cũng có mặt và chú tâm đồng hành với cộng đoàn Giáo hội trong tinh thần quảng đại và yêu thương. Phao-lô nhắc nhở công đoàn tín hữu Phi-lip-phê về chứng nhân và lòng trung thành của mình: “Tôi hy vọng, trong Chúa Giê-su Ki-tô, sẽ gửi Ti-mô-thê đến các con thật sớm…các con đã biết lời của anh ấy, qua việc anh phục vụ bên cha như một người con cho công cuộc loan báo tin mừng.” (Pl 2,19, 22). Khi viết cho cộng đoàn Thê-sa-lô-ni-ca, Ngài đã nhẫn mạnh sự dũng cảm và đặc sủng sứ vụ của Ngài: “Chúng tôi…gửi Ti-mô-thê, người anh em và cộng tác viên của chúng tôi cho Thiên Chúa trong tin mừng của Chúa Ki-tô, để làm mạnh mẽ và khuyến khích anh em trong đức tin, nhờ đó không ai có thể bị lay chuyển bởi những phiền muộn” (1 Tx 3, 2-3). Ti-mô-thê sau đó lên đường với lòng hăng say và nhiệt thành phục vụ nơi các cộng đoàn mới thành lập, bất cứ khi nào họ có những ngờ vực cần được làm sáng tỏ hoặc những đấu tranh cần được hỗ trợ. Lời Chúa chính là sức mạnh và bạn đồng hành của Ti-mô-thê.

Với lời hay ý đẹp, câu điệp ca tin mừng cho chúng ta một lời ca tụng thật quý giá để chúng ta cất lên tung hô Lời Chúa, Lời “sống động và hiệu quả,” bởi vì Lời đó xuyên thấu lương tâm chúng ta như thanh gươm hai lưỡi. Thiên Chúa, như tác giả thánh vịnh nói, dò thấu tận tâm can và đáy lòng và nhìn thấu suốt mọi đường lối của chúng ta. Cũng trong thư gửi cho Ê-phê-sô, hình ảnh của thanh gươm được nhân hoá thành thuộc tính của Chúa Thánh Thần, nó đại diện cho sức mạnh và khả năng xuyên thấu và mạnh mẽ của Lời Chúa (Ep 6, 17). Và vì thế dụng cụ tàn ác của chiến tranh được thay thế và trở nên biểu tượng cho một lỗ lực khác, đó chính là sự đấu tranh của tâm linh nhằm tạo nên sự ăn năn hối cải và trở về, niềm vui và sự sống mới, sự trọn lành và trung thành. Đây chính là hoa trái của Lời thánh thiện, sống động, và mật thiết, hoa trái của ơn khôn ngoan nhìn thấy mọi sự và thông biết mọi sự, để mở đường cho mọi sự, và phán xét mọi sự, hiện diện trong nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn và phản chiếu ánh sáng mà không ai có thể chạy trốn được.  Tin Mừng của Chúa Giê-su, sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chính là thánh linh và sự sống. Lời đó cũng làm cho kẻ chết sống lại, phục hồi nhân phẩm cho những kẻ bị khước từ, mang niềm hân hoan cho kẻ bị tổn thương, tái tạo lại muôn loài, biến đổi, thánh hoá, và ban sự sống đời đời cho con người. Tuy nhiên, khi Lời Chúa chiếu sáng cũng là lúc phán xét, bởi vì Lời đó lột trần tâm hồn của khuôn mặt giả tạo, và mở ra sự thật cần được phơi bày trong lương tâm.  Nhưng trong tâm hồn, nơi mà Thánh Thần của Đấng sống lại từ cõi chết được đổ tràn đầy ra, sự phán xét của Lời Chúa lúc nào cũng mang theo sự thánh hoá và tha thứ.

Câu truyện ngụ ngôn của Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay phác hoạ hình ảnh người phụ nữ bị từ chối quyền được trình bày hoàn cảnh của mình bởi vị quan tòa bất chính. Đáng buồn thay, trong xã hội của chúng ta hôm nay còn nhiều người vẫn đang phải chịu sự từ chối của bất công này. Câu truyện được dàn dựng “trong một thành nọ” (Lc 18, 2), một thành không tên bởi vì điều được kể lại dường như nó xảy ra ở mọi nơi, mọi thời đại – đối với kẻ thù của vị thẩm phán, luật phải được thi hành; nhưng đối với những đồng bạn của ông, luật cần phải lách.

Bà góa trong câu truyện ngụ ngôn không phải là bạn của vị thẩm phán, chính vì thế bà không được đón tiếp. Bà cũng đã đánh mất sự giúp đỡ của chính chồng bà, và trong xã hội của người Pa-les-tin thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, bà không có quyền này. Góa phụ thường nghèo khó, thậm chí họ còn không có ai bảo vệ và cũng có thể bị bóc lột. Chúa Giê-su đã nhắc nhở chúng ta rất rõ ràng khi Ngài kết án những người lãnh đạo tôn giáo khi họ chiếm nhà cửa của các bà goá (Lc 20, 46-47). Không có khả năng thuê mướn luật sư, góa phụ thường phải đứng lên bảo vệ cho trường hợp của mình trước đối kháng của họ. Chúa Giê su đã vạch trần suy nghĩ thầm kín của vị thẩm phán bất lương, ông này không để ý đến điều bà than phiền và không quan tâm đến chuyện bà là ai. Ông ta không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng quan tâm đến lợi ích của người dân. Bà góa bị ép không được lộ diện và không được lắng nghe, thậm chí trước mặt một vì thẩm phán vô lương, cho tới khi trường hợp này được giải quyết theo ý muốn của bà.

Chúa Giê-su dùng câu truyện ngụ ngôn này để dạy chúng ta sự cần thiết cấp bách và lời cầu nguyện liên lỉ. Nếu cầu nguyện là trung tâm sứ vụ truyên giáo của Giáo Hội, thì đó là vì trong tương quan mật thiết giữa Giáo hội với Thiên Chúa (phụng vụ), các cá nhân và cộng đoàn được đổi mới qua ơn cứu độ được ban tặng cho chúng ta qua Chúa Giê-su. Câu hỏi của Người về đức tin khi Người trở lại dường như chỉ ra một mối bận tâm bởi Chúa Giê-su về hiệu quả của sứ vụ mà sẽ được thi hành và tính thuần túy về chứng nhân của các tông đồ truyền giáo. Những môn đệ này, thông phần vào mầu nhiệm Phục Sinh qua phép rửa, được sai đi vào thế giới như là Giáo hội của Chúa Ki-tô, cộng đoàn của những người được cứu chuộc, trở thành những hạt giống và khai mở cho vương quốc nhờ đó  tất cả lịch sử và nhân loại có thể được biến đổi và cứu chuộc.

Hiệu quả của việc cầu nguyện và van xin liên lỉ, của việc luôn tìm kiếm tình yêu, sự thật và công lý, đúc luyện khả năng của người môn đệ cho sứ vụ. Chỉ có những ai cầu nguyện liên lỉ mới đặt Chúa Giêsu làm trọng tâm đời sống của họ và của sứ vụ mà họ được trao phó, lớn lên trong đức tin. Chỉ có những ai cầu nguyện liên lỉ mới trở nên chăm chú và có thể lắng nghe, nhận ra và khám phá nhu cầu và thỉnh cầu cho việc cứu chuộc cả thân xác lẫn linh hồn nhờ đó có thể trình bày trái tim của nhân loại hôm nay.

 
Trích từ tác phẩm: "Được Rửa Tội Và Được Sai Đi"