Nhậm chức Tổng Thống Mỹ: "Cuốn Kinh Thánh và lời tuyên thệ"

23/01/2013
2056

Tôi rất ấn tượng với những cuốn Kinh thánh mà Obama và Biden đã đặt tay lên. Cuốn của Obama to cỡ bằng bàn tay. Cuốn của Biden lại rất lớn và có vẻ nặng. Nó làm tôi nhớ đến cuốn Kinh thánh của gia đình, lúc còn sống ông nội vẫn thường hay đọc...
 

Ngày 21 tháng 1 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Obama và “phó tướng” Biden đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai. Hình ảnh “bộ đôi quyền lực” này đặt tay lên cuốn Kinh thánh và đọc lời tuyên thệ theo quy định của Hiến pháp là một hình ảnh rất đặc biệt, gây sự chú ý mạnh mẽ.

Báo chí đưa tin, khi thực hiện nghi thức tuyên thệ, ông Obama giơ tay phải lên và tay trái đặt lên 2 cuốn Kinh thánh lịch sử của nhà lãnh đạo nhân quyền huyền thoại Luther King Jr và cố Tổng thống Abraham Lincoln, vị tổng thống thứ 16 của Mỹ. Chánh án tòa tối cao John Roberts chủ trì nghi thức này.
 
Phó Tổng thống Biden đặt tay lên cuốn Kinh thánh mà dòng họ của ông sử dụng từ năm 1893. Thẩm phán tòa tối cao Sonia Sotomayor chủ trì lễ tuyên thệ của Biden.
 
Tôi rất ấn tượng với những cuốn Kinh thánh mà Obama và Biden đã đặt tay lên. Cuốn của Obama to cỡ bằng bàn tay. Cuốn của Biden lại rất lớn và có vẻ nặng. Nó làm tôi nhớ đến cuốn Kinh thánh của gia đình, lúc còn sống ông nội vẫn thường hay đọc. Ngày còn học cấp I, sống với ông bà, tôi vẫn thường thấy ông nội đọc nó trước giờ ngủ trưa. Không biết cuốn Kinh thánh này có “tuổi thọ” bao nhiêu, nhưng nó đã rất cũ và cũng “to lớn, nặng nề” như cuốn của gia đình Biden! Bìa bằng giấy cứng đã ngả sang màu nâu cũ kĩ. Gáy bằng vải dày màu xanh đen.
 
Một lần tò mò, đợi lúc ông vắng nhà, tôi lấy cuốn Kinh thánh trên tủ sách xuống và cũng nằm lên giường (cho giống “phong cách” của ông, chỉ khác là hồi đó chưa bị cận để đeo kính!) rồi đưa cuốn Kinh thánh lên đọc. Vừa đọc được mấy dòng, tôi mỏi tay làm rơi nó xuống đúng mặt mình! Đầu óc choáng váng, vội vàng kiểm tra xem Kinh thánh có bị rách tờ nào không rồi vội vàng cất lên tủ. Hôm sau thấy ông lại mang ra đọc nhưng không hỏi han gì, có lẽ ông không phát hiện “sự cố”! Bây giờ về quê vẫn thấy cuốn Kinh thánh để ở chỗ cũ, nhưng ông nội thì đã mất hơn 10 năm.
 
Nước Mỹ có một lời tuyên thệ ngắn nhưng đầy ý nghĩa. Từ ngày đầu tiên đi học, những trẻ em Mỹ đã được dạy, qua nhiều thập niên, để bàn tay của chúng lên trái tim và lặp lại lời tuyên thệ: “Tôi nguyện trung thành với lá cờ của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và với nền cộng hòa mà nó tượng trưng, một quốc gia dưới quyền Thượng đế, không phân chia, với tự do và công bằng cho tất cả.”
 
“Một quốc gia dưới quyền Thượng đế” (one nation under God) là sự xác tín rõ ràng của niềm tin tôn giáo mà người Mỹ theo đuổi và cổ vũ. Các quốc gia Tây phương khác, trong lễ nhậm chức của người đứng đầu nhà nước cũng có nghi thức đặt tay lên Kinh thánh và đọc lời tuyên thệ. Một số nước thay vì đặt tay lên Kinh thánh, họ đặt tay lên Hiến pháp của họ. Đó là hành động không những đã được quy định mà còn thể hiện niềm tin tôn giáo, sự tôn trọng pháp luật mà họ muốn thể hiện!
 
Các chính sách điều hành kinh tế, chính trị, xã hội có thể khác nhau ở từng thời kỳ cụ thể. Nhưng niềm tin, những giá trị căn bản, những nền tảng đầu tiên của một quốc gia luôn được đề cao, gìn giữ. Nước Mỹ đã đặt niềm tin vào Chúa Trời, và họ thể hiện Đức tin của mình một cách rõ ràng, công khai. Dòng chữ “In God we trust” trên tờ giấy bạc của họ là một minh chứng cho điều đó!
 
Tôi chợt nghĩ, nếu Việt Nam bây giờ cũng có nghi thức tuyên thệ thì không biết “các vị đầy tớ” sẽ đặt tay lên cái gì mà tuyên thệ đây? Kinh thánh ư? Chắc chắn không! Họ đang cố tình triệt hạ nó bằng mọi giá! Hiến pháp ư? Nó chỉ là “bản hợp đồng” lỏng lẻo, liên tục bị thay đổi và đi ngược lại?
 
Antoine. Nguyễn

(Nguồn: svconggiaovietnam.org)