Lời khuyên của Thánh I-Nhã cho thế giới hậu-Covid: Bạn mong trở lại đời sống bình thường?

17/04/2021
815
Bạn mong trở lại đời sống bình thường? Sáu lời khuyên phân định theo tinh thần Thánh I-Nhã cho thế giới hậu-Covid

Tôi nhớ rõ sau kỳ linh thao trong thinh lặng theo Thánh I-nhã cách đây gần 20 năm. Mất khoảng 25 phút lái xe từ trung tâm tĩnh tâm của Dòng Tên về nhà tôi ở ngoại ô Cincinnati, đi nửa đường về nhà, tôi choáng ngợp vì tiếng xe cộ ồn ào, đông đúc và đủ thứ màu sắc. Tràn ngập cảm giác đáng kinh ngạc, nhưng bây giờ tôi biết kinh nghiệm chuyển tiếp của tôi không xa lạ gì với những người vừa đi tĩnh tâm về.

Hứa hẹn tất cả người Mỹ sẽ được chích ngừa xong vào cuối tháng 5, nhiều người trong chúng tôi cảm thấy vui mừng vì sẽ trở lại đời sống bình thường. Nhưng cũng sẽ có những phản ứng bất ngờ và không mong muốn trong quá trình chuyển đổi từ cách ly tại chỗ và việc làm ở nhà, tương tự như tiến trình về lại đời sống hàng ngày sau khi đi tĩnh tâm về.

Tất cả các lựa chọn mở ra trước mắt chúng ta (theo nghĩa đen) sẽ gây ra tình trạng quá tải lựa chọn và cạn kiệt nhận thức.

Tiếng ồn sẽ lớn hơn, màu sắc tươi sáng hơn, chạm vào các giác quan nhiều hơn. Chúng ta sẽ thấy giao thông ngày chúa nhật cũng như giờ cao điểm các ngày trong tuần; mua sắm tại trung tâm thương mại tháng 5 sẽ giống như ngày Thứ Sáu Đen sau Lễ Tạ ơn. Quay trở lại không gian của xã hội bình thường và của các tương tác trong các nhóm lớn làm chúng ta mệt mỏi. Tất cả các lựa chọn mở ra trước mắt chúng ta (theo nghĩa đen) sẽ gây ra tình trạng quá tải lựa chọn và cạn kiệt nhận thức.

Chúng ta có thể làm gì để dễ dàng trở lại với đời sống bình thường? Câu trả lời có thể ở trong hướng dẫn dành cho những người đi linh thao: Tiếp tục tiến hành theo cách của Thánh I-nhã. Trong khuôn khổ này, chúng tôi có sáu đề nghị để giúp các bạn trở lại đời sống bình thường tốt hơn trong thời hậu đại dịch.

Nhận diện các điểm tích cực trong thời gian đại dịch. Trong các cuộc trò chuyện video, tôi nhận thấy mọi người đều nói về những căng thẳng tột độ mà họ phải đương đầu trong đại dịch. Nhưng khi hỏi về những giây phút biết ơn khi cách ly, ai cũng có câu trả lời sâu sắc, như ăn tối với gia đình, đi dạo với bạn vào giờ ăn trưa, sửa sang nhà cửa để tiện nghi hơn, và lần đầu tiên đi dạo ở công viên gần nhà. Tôi cũng đã nghe nói về những “niềm vui nhỏ” hoặc những thói quen hàng ngày như đi dép nhẹ cả ngày, nấu một món ăn ưa thích từ đầu đến cuối hoặc say sưa xem một bộ phim hay trên truyền hình.

Ai cũng có thể dùng cách thức xét mình hàng năm theo Thánh I-nhã để tìm trong lời cầu nguyện ân sủng chữa lành và nét đẹp trong năm vừa qua.

Lòng biết ơn đã được chứng thực là rất hữu ích cả về mặt tình cảm, xã hội và thể chất. Những người chú tâm vào lòng biết ơn và ân phúc của Chúa thường lạc quan, vui vẻ, hữu ích, nhân ái, cảm thông và tha thứ hơn; họ cũng dễ theo các chương trình tập thể dục, ngủ ngon và chọn thức ăn lành mạnh.

Do Thánh I-nhã khởi xướng, các tu sĩ Dòng Tên đã chia sẻ cách cầu nguyện, họ gọi đó là phút hồi tâm để nhận thấy sự hiện diện và điều tốt lành của Chúa trong cuộc sống. Chúng ta được mời để có giây phút tạm dừng, xem lại những khoảnh khắc ý nghĩa và nhận ra Thần Khí trong các trải nghiệm. Ai cũng có thể dùng cách thức xét mình hàng năm theo Thánh I-nhã để tìm trong lời cầu nguyện ân sủng chữa lành và nét đẹp trong năm vừa qua.

Nhận biết mình đã được biến đổi. Sống qua Covid đã thay đổi mỗi chúng ta theo những cách thức mà quan trọng là chúng ta cần lưu ý. Sẽ rất hữu ích để suy nghĩ về lòng biết ơn chúng ta nhận ra khi làm phút hồi tâm cho cuộc sống bình thường mới của bạn, chẳng hạn lập kế hoạch tiếp tục đi bộ hàng tháng trong rừng hoặc thường xuyên mặc quần áo thoải mái. Ngược lại, chúng ta phải ý thức để có những hành động giúp ích cho việc đối phó với đại dịch, mà chúng ta không muốn tiếp tục trong tương lai. Có thể là tập thể dục quá mức (hoặc lười vận động) hoặc thích ăn đường.

Chúng ta đừng quên “dục tốc bất đạt”. Theo các nhà khoa học xã hội, phải mất từ 60 đến 90 ngày để hình thành các thói quen và trở nên tự động. Vì vậy, hãy dự trù một vài tháng để dần dần trở lại với những thói quen cũ hoặc để phát triển một thói quen mới phù hợp với con người mới của mình. Một trích dẫn của vận động viên đua xe đạp ba lần huy chương vàng Olympic Kristin Armstrong cho biết điều này có thể là một cơ hội như thế nào: “Thời kỳ chuyển tiếp thật vất vả, nhưng tôi yêu chúng. Chúng là cơ hội để thanh lọc, suy nghĩ lại các ưu tiên và có chủ đích về những thói quen mới. Chúng ta có thể làm cho cái mới của chúng ta trở nên bình thường theo bất kỳ cách nào chúng ta muốn.”

Nhận diện cảm xúc và mong muốn. Cũng giống như thái độ biết ơn liên quan đến sức khỏe, khả năng nhận biết và quản lý cảm xúc cũng vậy. Một từ ngữ hài hước được sớm lan truyền trong đại dịch là từ coronacoaster, được dùng để nói lên tính cách thăng trầm tột cùng chúng ta cảm nhận khi giãn cách xã hội và cô lập. Chúng ta nên tránh các thay đổi và quyết định quan trọng trong cuộc sống cho đến khi những cảm xúc này được ổn định. Cũng vậy, chúng ta phải suy nghĩ về những cảm xúc thương tiếc bị dồn nén do những mất mát lớn nhỏ, và nên dành thì giờ để cảm nhận các cảm xúc thương tiếc này.

Chúng ta nên tránh các thay đổi và quyết định quan trọng trong cuộc sống cho đến khi những cảm xúc này được ổn định.

Thêm nữa, thời gian cách ly có thể cho thấy những khao khát mạnh mẽ liên quan đến các mối quan hệ, ơn gọi hoặc những suy nghĩ khác. Chẳng hạn, gần đây một người bạn của tôi đã xin nghỉ việc ở một cơ quan thịnh vượng để có thể đổi qua một công việc có lợi ích cho xã hội hơn. Một người bạn khác nhận ra tình cảm của họ với người bạn đồng hành trong “bong bóng Covid” có thể nhiều hơn là tình cảm suông.

Linh mục Dòng Tên Mark Thibodeaux gọi đó là  “những ước muốn lớn lao mà Chúa đã đặt để trong lòng chúng ta”. Sự phân định trong cầu nguyện có thể giúp chúng ta giải thích những suy nghĩ và cảm xúc đằng sau những ước muốn này: Chúng hời hợt hay chúng sẽ thực sự tạo ra cảm giác an ủi nếu được áp dụng? Trong trường hợp được an ủi, phân định có thể giúp chúng ta tiếp tục những khao khát mà theo Cha Thibodeaux nói “sẽ dẫn đến đức tin, hy vọng và tình yêu cho Chúa và cho người anh em chúng ta.” 

Chú tâm đến những người bạn yêu thương. Một sự khác biệt giữa chuyển tiếp sau khi đi linh thao và hậu Covid mà tất cả chúng ta đã sống qua trong thời đại dịch. Nhưng phản ứng của chúng ta đều khác biệt và khác nhau với từng cá nhân. Nói chuyện với những người chúng ta liên hệ, với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp về các phản ứng, tạo tình bạn và có dịp để trở thành người có thể giúp đỡ nhau và giúp người khác, cả hai việc này đều liên quan đến sức khỏe thiêng liêng, tinh thần và thể chất.

Làm trẻ lại. Tương tự như việc chúng ta cảm thấy mệt mỏi sau khi ngồi hàng giờ trên xe hoặc trên máy bay, ngồi yên một chỗ không phải là nghỉ ngơi. Thay vào đó là lo lắng. Khi chúng ta tái bắt đầu dành nhiều thì giờ ở ngoài hơn là ở gia đình, chúng ta nên lường trước sự mệt mỏi về tinh thần và thể chất, đồng thời tham dự vào các sinh hoạt sẽ phục hồi năng lượng và sức sống cho bạn.

Tương đối cách ly sớm khi đại dịch, linh mục Dòng Tên Brendan McManus đã viết cách cha sống với Covid như đi linh thao, dựa trên “sự huấn luyện của Dòng Tên để có thể đọc được cảm xúc, phản ứng và hành động với lòng trắc ẩn.” Bây giờ chúng ta đang ở giai đoạn cuối của một kinh nghiệm chỉ có một lần trong đời: trở lại đời sống bình thường và thường lệ sau đại dịch toàn cầu. Với chú tâm và nhận thức liên tục – theo tiến trình của Thánh I-nhã – tiến trình tái gắn kết sẽ không chỉ là chữa bệnh mà còn là sự phát triển mạnh mẽ về tinh thần, thể chất và thiêng liêng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: Phanxico.vn