Bài giảng của Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân trong thánh lễ an táng ông cố Laurensô - thân phụ Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh

09/07/2017
3912

“Chính thầy là sự sống lại và là sự sống.

Ai tin vào thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25)

Bước vào Thánh đường sáng nay, cúi mình chào cụ cố, chúng ta cảm nhận một cảm xúc lạ thường trước di ảnh của cụ cố… uy nghi một đấng lão trượng, mái tóc bạc phơ, chòm râu đẹp… cụ cố thọ 111 tuổi… gợi tới những cụ tổ được chúc phúc của Israel, một Apraham, một Môsê…

Một cây đại thụ hơn 60 năm tại xứ Thanh Hải từ ngày đầu lập xứ này, vừa nằm xuống… Cha chánh xứ và Cộng đoàn Giáo xứ Thanh Hải nghiêng mình bái biệt cụ cố thân thương.

Cộng đoàn phụng vụ, các Đấng Bậc và mọi người với những mối liên hệ riêng thành kính phân ưu với Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế và chia sẻ nỗi niềm với toàn thể gia đình của Đức cha…

Khôn Ngoan 3:

“Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa,

Và nỗi thống khổ của sự chết không đụng tới các ngài.

Đối với mắt những người không hiểu, thì các ngài đã chết

Và việc các ngài ra đi bị coi là bất hạnh… là rơi vào cảnh diệt vong.

Nhưng thật ra…”

Thật ra là thế nào… giờ đây chúng ta được Lời Chúa soi dẫn, ta suy tư tìm hiểu ý nghĩ sự chết và sự sống đời người chúng ta…

Một trong những nơi hấp dẫn du khách ở Rôma là hang mộ tại Via Veneto. Tới đó hành hương, người ta sẽ đọc được lời khuyên ghi trên xà nhà: “Điều bạn là bây giờ, chúng tôi từng là; Điều chúng tôi là bây giờ, bạn sẽ là”.

Đã có nhiều những phương dược loài người đã từng tìm kiếm giải đáp vấn đề cái chết. Cái chết vẫn luôn luôn là vấn đề ‘số một’ của loài người.

Điều quan trọng cho tín hữu, và cũng cho mọi người kể cả những người tự nhận vô thần, là nhận thức cuộc sống có ý nghĩa hay không, cái chết có là chấm hết mọi sự hay ngược lại, là khởi đầu cuộc sống đích thật ?

Thánh Augustinô đã tiếp cận trước cả suy tư triết học hiện đại về cái chết:

‘Khi một em bé chào đời, có rất nhiều giả thuyết. Có lẽ em xinh xắn cũng có thể xấu. Có lẽ em sẽ giàu có, cũng có thể nghèo. Có lẽ em sẽ sống tới già, cũng có thể không… Nhưng không ai nói: ‘Có lẽ em sẽ chết, hay cũng có thể không’. Chết là cái chắc chắn tuyệt đối duy nhất trong đời. Khi chúng ta biết một người bị “ung thư”, chúng ta nói: ‘tội nghiệp người anh em, anh sắp qua đời, anh bị kết án chết, hết thuốc chữa’. Chúng ta có không nên nói như thế cho bất cứ em bé sơ sinh nào không ? ‘Tội nghiệp em, em phải chết, hết thuốc chữa, em bị kết án phải chết !’. Có gì khác giữa việc em sống thêm chút thời gian, dài hơn hay vắn vỏi hơn? Cái chết là căn bệnh chí tử ta ký kết khi chào đời’.

Thánh nhân gợi ý có lẽ tốt hơn thay vì suy tư đời ta như ‘cuộc đời đi đến cái chết’, chúng ta nên suy tư cuộc đời đang chết như ‘cái chết đang sống’. Tư tưởng của Augustinô được một triết gia người  Đức, Martin Heidegger lấy lại, cái chết  với cái quyền của nó, là một đề tài triết lý. Định nghĩa mạng sống con nguời như ‘hữu thể đi đến cái chết’, ông nhận thức cái chết không phải là như biến cố chấm dứt sự sống nhưng như chính bản thể của sự sống, nghĩa là, cung cách sự sống trải ra. Sống là chết. Mỗi khoảnh khắc chúng ta sống là thực tại được hấp thụ, được giảm trừ đi và được thâu tóm cho tới chết. ‘Sống đi đến cái chết’ có nghĩa cái chết này không chỉ là chấm dứt nhưng còn là mục đích sống. Tuy nhiên, một người được sinh ra để chết và chẳng để làm gì khác. Chúng ta đến từ hư vô và trở về hư vô. Vậy hư vô là chọn lựa duy nhất của hữu thể người.

Con người đã phản ứng ra sao trước cái tất yếu phải chết? Một giải đáp được truyền bá là đừng suy nghĩ tới nó và đừng làm khuấy động con người. Đối với Epicurus, chẳng hạn, cái chết là bế tắc: ‘Bao lâu chúng ta hiện hữu, ông nói, cái chết chẳng có và khi nó hiện hữu, chúng ta không còn’. Do đó, chúng ra chẳng đáng quan tâm tới chết chóc.

Người bình dân lại bám vào những phương dược tích cực. Phổ biến nhất là có con cái và tiếp tục sống qua dòng tộc mình. Người khác muốn sống do danh thơm lưu truyền: ‘Tôi sẽ không chết hoàn toàn’, thi sĩ người La mã nói, vì ‘danh thơm của tôi sẽ xanh mướt và vươn lên. Bền vững hơn kim loại đồng… là lăng tẩm tôi đã thực hiện’. Theo Mác, người ta tồn tại qua xã hội trong tương lai, không như một cá nhân nhưng như một giống loài.

Một phương dược khác xuất hiện ngày nay. Nó mang nhiều sắc thái nên không phải  tất cả đều tiêu cực, nhưng trong cốt lõi là xác tín nhân loại, nhờ tiến bộ kỹ thuật, đang trên đường vượt qua triệt để chính mình, tới mức sống thọ hàng thế kỷ hay có lẽ sống mãi! Theo một trong số những đại biểu nổi tiếng nhất, Zoltan Istvan, mục tiêu tối hậu là ‘trở nên giống Thiên Chúa và chinh phục cái chết’. Một tín hữu Do thái hay Kitô không thể tin theo, nhưng tức khắc liên tưởng những lời đặc trưng ở khởi đầu lịch sử loài người: ‘Chẳng chết chóc chi đâu… ông bà sẽ nên như những vị thần’ (St 3, 5), kéo theo hậu quả chúng ta đã biết.

Triết học đơn thuần làm triết lý, chỉ ra đâu là thân phận người, xét dưới tầm triết học. Triết học giúp ta hiểu cái khác nơi lòng tin Chúa Kitô mang lại. Đây ta gặp thực tại trái nghịch căn cội nhất đối với nhãn quan Kitô, nhãn quan nhận thức hữu thể người ‘hữu thể vươn tới vĩnh cửu’.

Chính Thánh Kinh trong Cựu Ước chưa có giải đáp rõ về cái chết. Sách Khôn Ngoan nói về sự chết nhưng luôn trong lập trường của một nghi vấn hơn là một giải đáp. Sách Gióp, Thánh  Vịnh, Giảng Viên, Huấn Ca, tất cả dành phần quan tâm đáng kể cho chủ đề cái chết. ‘Xin dạy chúng con đếm tháng mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan’ (Tv 90, 12). Tại sao chúng ta chào đời? Tại sao chết? Khi chết ta đi đâu? Đó là những vấn nạn chưa có giải đáp đối với các hiền nhân của Cựu Ước trừ điều này: Chúa muốn con người là thế, sẽ có phán định cho từng người.

Thánh Kinh nhắc tới những ý tưởng gây xao xuyến của những người không có lòng tin thời ấy: ‘đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty. Bởi ngẫu nhiên ta đã ra đời, rồi lại như chưa hề có mặt’ (Kn 2, 1. 2)

Chỉ nơi sách Khôn Ngoan, được trước tác trong văn chương khôn ngoan, cái chết bắt đầu được soi sáng bằng ý tưởng về một phần thưởng nào đó sau khi chết. ‘Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa’ (Kn 3, 1), các hiền nhân suy nghĩ như vậy dù không biết rõ ý nghĩa. Quả thực trong một Thánh Vịnh chúng ta đọc: ‘đối với Chúa thật là đắt giá, cái chết của những ai trung hiều với Ngài’ (Tv 116, 15). Tuy nhiên ta không thể đặt nặng vào câu này vì thường được trích với ý nghĩa có phần khác: Thiên Chúa làm cho người ta phải trả giá hậu cho cái chết của những người tin vào Chúa, nghĩa là, Chúa là Đấng trả báo và bắt muôn dân phải tính sổ.

Giải đáp duy nhất cho ta mãn nguyện về cái chết và sự sống gặp được nơi Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta hãy nghe tông đồ Phaolô loan báo sự biến đổi này cho thế giới: ‘Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người…’ (Rm 5, 15-17)

Cuộc khải hoàn của Chúa Kitô được diễn tả như một sử thi trong thư 1Cr: ‘tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần đâu là chiến thắng của ngươi? Hởi tử thần đâu là nọc độc của người? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có lề luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta’ (1Cr 15, 54-57).

Yếu tố quyết định diễn ra vào lúc Đức Giêsu chết: ‘người chết cho mọi người’ (2Cr 5, 15) nhưng điều gì mang quyết định đến thế, vào thời điểm thay đổi chính bản tính cái chết? Chúng ta có thể hình dung Con Thiên Chúa xuống tận trong mồ, như một ngục tối, nhưng Người đã vượt qua phía bên kia. Người không trở lại nơi Người bước vào như Lazarô đã trở lại và sẽ phải chết. Chúa thì đã mở một lối bên kia, qua lối đường này những ai tin vào Chúa sẽ có thể theo Người.

Một giáo phụ xưa viết: ‘Người đã mang trên chính mình nỗi đau khổ của nhân loại, khổ đau nơi thân xác mà Người có thể mang, nhưng qua Thánh Thần, Đấng không thể chết, Người tiêu diệt cái chết, cái chết đã giết con Người.’ Cái chết trở thành lối vượt qua, và nó là lối vượt qua dẫn tới cõi không bao giờ qua đi!

Thánh Augustinô: Ba cái chết trong Tin Mừng… con Jairô, Naim, Lazarô…

“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.

Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng được sống” (Ga 11, 25)

Chúa Kitô đã mang đến cho thân phận con người cái lớn hơn là xóa bỏ cái chết khỏi thân phận con người. Người không thực hiện điều ấy chỉ đơn giản trả món nợ nhân loại không thể thanh toán (món nợ 10 ngàn nén trong dụ ngôn nhà vua tha thứ). Chúa chết treo thập tự để khổ đau và cái chết của con người có thể được trải qua trong yêu thương.

“Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa

Và nỗi thống khổ của sự chết không đụng tới các ngài”

Hữu thể người bị kết án chết, cái chết mâu thuẫn nếu xé rời ra, nhưng cái chết đang tới, bây giờ được thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu không thể pha lẫn với chết chóc dù tình yêu Thiên Chúa vẫn không loại trừ thực tại đau buồn của sự dữ và chết chóc Tình yêu của Chúa chấp nhận cho phép khổ đau và chết chóc ‘lên tiếng’. Nhưng từ khi tình yêu thấm nhập cái chết và đổ đầy sự hiện diện của Thiên Chúa vào cái chết, tình yêu là tiếng nói cuối cùng.

Điều ấy cho thấy thái độ trái chiều của tín hữu trước cái chết, cái chết giống như muôn người nhưng lại rất khác. Tín hữu còn vương vấn thái độ buồn phiền, sợ hãi, ghê tởm… khi biết mình phải đi xuống vực thẳm tăm tối, nhưng lại mang niềm hy vọng vì biết mình có khả năng thoát khỏi. ‘Chúng con buồn sầu vì chắc chắn phải chết’, như kinh tiền tụng lễ an táng cầu nguyện, ‘nhưng được an ủi vì lời hứa được sống bất diệt sau này’.

Thánh Phaolô không xin tín hữu Thêxalônica đừng buồn sầu trước những người chết, nhưng dạy họ ‘đừng buồn sầu như những người khác’, là những người không có niềm tin. Cái chết đối với tín hữu, không phải là chấm dứt sống, nhưng khởi đầu cuộc sống thật. Không phải cú nhảy vào cõi không nhưng nhảy vào vĩnh cửu. Con sâu chết nhưng con bướm chào đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất’ (Kh 21, 4).

“Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa

Và nỗi thống khổ của sự chết không đụng tới các Ngài”

Chúng ta kết thúc bằng lời nguyện đơn sơ nhưng đầy uy lực của phụng vụ: ‘Adoramus te, Christe, et benedicimus tibi, quia per sanctam tuam crucem redemisti mundum’ (Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, vì nhờ Thánh Giá, Chúa cứu chuộc thế giới).

 

Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc